Theo Báo cáo kết quả Cải cách hành chính 06 tháng đầu năm 2022 của tỉnh Khánh Hòa, trọng tâm của công tác cải cách hành chính (CCHC) là tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp để cải thiện và nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số CCHC (PAR Index), Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI); cải cách thủ tục hành chính (gọi tắt là TTHC) và đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến (gọi tắt là DVCTT); sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập chưa đảm bảo số lượng người làm việc; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính;...
Đánh giá chung, về mặt tích cực trong 06 tháng đầu năm 2022, công tác CCHC của tỉnh Khánh Hòa đã bám sát mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch đề ra và tiếp tục được sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên, trực tiếp của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh. Toàn bộ 07 giải pháp quản lý nhà nước về CCHC được triển khai đồng bộ, nề nếp, hiệu quả từ xây dựng chương trình, kế hoạch, phân công và phối hợp, kiện toàn đội ngũ tham mưu, đẩy mạnh tuyên truyền và tập huấn nghiệp vụ, kiểm tra, khảo sát sự hài lòng, đánh giá xếp hạng kết quả CCHC. Thể chế quản lý nhà nước về CCHC tiếp tục được hoàn thiện, cơ bản đáp ứng tốt yêu cầu đề ra. Cơ sở dữ liệu TTHC tiếp tục được tái cấu trúc, đơn giản hóa, chuẩn hóa, cắt giảm thời gian giải quyết. Tỉ lệ hồ sơ trễ hạn của khối cơ quan thuộc tỉnh giảm 0,36% so với cùng kỳ năm 2021 (riêng khối UBND huyện giảm 5,19%). Tỉ lệ hồ sơ trực tuyến rất cao, đạt và vượt chỉ tiêu đề ra, với 123.289 hồ sơ, chiếm tỉ lệ 50,54%, tăng 43.949 hồ sơ và 10,32% so với cùng kỳ 2021. Thanh toán trực tuyến tăng rất nhanh, chỉ trong 06 tháng đầu năm đã phát sinh 55.005 lượt, với số tiền 229.751.222.283 đồng, so với cả năm 2021 tăng 25.573 lượt, 196.851.169.080 đồng. Việc triển khai sắp xếp, tổ chức lại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp đã được thực hiện theo đúng quy định, đảm bảo tinh gọn đầu mối, góp phần nâng cao hiệu quả tổ chức, hoạt động.
Bên cạnh những kết quả tích cực, vẫn tồn tại một số hạn chế như việc tham mưu cụ thể hóa một số chính sách theo phân cấp còn chậm; thiếu cơ quan đầu mối thống nhất, tập trung trong việc theo dõi, đánh giá các chính sách để từ đó tham mưu, đề xuất giải pháp một cách đồng bộ, kịp thời, hiệu quả; công tác chỉ đạo, điều hành CCHC ở một số cơ quan còn chưa sâu sát, quyết liệt; cải cách TTHC mới chỉ dừng lại ở việc chấp hành, triển khai quy định của trung ương, chưa năng động, linh hoạt trong công tác triển khai, thiếu tính mới, đột phá; vẫn còn một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa đáp ứng về năng lực chuyên môn, yêu cầu trong tình hình mới;...