Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa vừa mới ban hành Quyết định số 08/2025/QĐ-UBND ngày 24/7/2025 về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa.
Theo đó, vị trí, chức năng của Sở Xây dựng là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; thực hiện chức năng tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý nhà nước về xây dựng gồm: Quy hoạch xây dựng và kiến trúc; hoạt động đầu tư xây dựng; phát triển đô thị; hạ tầng kỹ thuật đô thị và nông thôn (bao gồm: cấp nước sạch (trừ nước sạch nông thôn); thoát nước và xử lý nước thải (trừ xử lý nước thải tại chỗ; thoát nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, sản xuất muối); công viên, cây xanh đô thị; chiếu sáng đô thị; nghĩa trang (trừ nghĩa trang liệt sĩ) và cơ sở hỏa táng; kết cấu hạ tầng giao thông; quản lý không gian xây dựng ngầm; quản lý sử dụng chung công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị và khu dân cư nông thôn); nhà ở; công sở; thị trường bất động sản; vật liệu xây dựng; giao thông vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải; an toàn giao thông (không bao gồm nhiệm vụ sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ).
Sở Xây dựng có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng; chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, biên chế và công tác của Ủy ban nhân dân tỉnh, đồng thời chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ Xây dựng.
Sở Xây dựng được giao thực hiện 27 nhiệm vụ và quyền hạn sau:
1- Trình Ủy ban nhân dân tỉnh các dự thảo: nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, dự thảo quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh liên quan đến lĩnh vực xây dựng thuộc phạm vi quản lý của Sở và các văn bản khác theo phân công của UBND tỉnh; …
2- Trình Chủ tịch UBND tỉnh các dự thảo: các văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Chủ tịch UBND tỉnh theo phân công; Quyết định xếp hạng các đơn vị sự nghiệp, dịch vụ công lập do Sở Xây dựng quản lý theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của cấp có thẩm quyền.
3- Tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án và các văn bản khác sau khi được phê duyệt; thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến, giáo dục, theo dõi thi hành pháp luật về các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước được giao.
4- Về quy hoạch đô thị và nông thôn.
5- Về kiến trúc.
6- Về hoạt động đầu tư xây dựng.
7- Về phát triển đô thị.
8. Về hạ tầng kỹ thuật, bao gồm: Cấp nước sạch (trừ nước sạch nông thôn); thoát nước và xử lý nước thải (trừ xử lý nước thải tại chỗ; thoát nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, sản xuất muối); công viên, cây xanh đô thị; chiếu sáng đô thị; nghĩa trang (trừ nghĩa trang liệt sĩ) và cơ sở hỏa táng: kết cấu hạ tầng giao thông đô thị; quản lý xây dựng ngầm đô thị; quản lý sử dụng chung công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị.
9- Về nhà ở.
10- Về thị trường bất động sản.
11- Về vật liệu xây dựng.
12- Về kết cấu hạ tầng giao thông.
13- Về phương tiện và người điều khiển phương tiện giao thông, phương tiện, thiết bị xếp dỡ, thi công chuyên dùng trong giao thông vận tải (trừ phương tiện phục vụ vào mục đích quốc phòng, an ninh và tàu cá; trừ nhiệm vụ sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ) và trang bị, thiết bị kỹ thuật chuyên ngành xây dựng.
14- Về vận tải.
15- Về an toàn giao thông.
16- Quản lý theo quy định của pháp luật đối với các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân, các hội và các tổ chức phi chính phủ thuộc phạm vi lĩnh vực quản lý của Sở.
17- Thực hiện hợp tác quốc tế về lĩnh vực quản lý của Sở theo quy định của pháp luật.
18. Tổ chức nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật và công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; xây dựng hệ thống thông tin, lưu trữ phục vụ công tác quản lý nhà nước và chuyên môn nghiệp vụ.
19. Hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ thuộc lĩnh vực quản lý của Sở đối với cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã.
20. Thực hiện công tác nhập và cập nhật, điều chỉnh thông tin trong hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động xây dựng theo quy định; thực hiện công tác tổng hợp, thông tin, báo cáo định kỳ và đột xuất về tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao với UBND tỉnh, Bộ Xây dựng và các cơ quan có thẩm quyền khác theo quy định.
21. Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Văn phòng, các phòng chuyên môn nghiệp vụ thuộc Sở phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở theo hướng dẫn tại Thông tư số 10/2025/TT-BXD ngày 14/6/2025 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng và theo quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh.
22. Quản lý tổ chức bộ máy, biên chế công chức, ngạch công chức và xếp ngạch công chức, vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập; thực hiện chế độ tiền lương và chính sách, chế độ đãi ngộ, đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng, kỷ luật đối với công chức, viên chức và người lao động thuộc phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật.
23. Quản lý và chịu trách nhiệm về tài chính, tài sản được giao theo quy định của pháp luật.
24. Tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm về giám định, đăng ký, cấp giấy phép, văn bằng, chứng chỉ thuộc phạm vi trách nhiệm quản lý của Sở theo quy định của pháp luật.
25. Quản lý hoạt động của các đơn vị sự nghiệp trong và ngoài công lập thuộc phạm vi lĩnh vực quản lý của Sở.
26. Kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về lĩnh vực xây dựng đối với tổ chức, cá nhân; tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực theo quy định của pháp luật.
27. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo sự phân công, phân cấp hoặc ủy quyền của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh và theo quy định của pháp luật.