UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có quyết định phê duyệt kế hoạch hành động đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông - lâm - thủy sản năm 2024 trên địa bàn tỉnh.
Tăng đầu tư cải thiện điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm trong sơ chế, bảo quản, kinh doanh sản phẩm nông sản, thủy sản. Ảnh minh họa. Ảnh: Lê Xưa.
Kế hoạch đã đề ra các chỉ tiêu trọng tâm cần đạt trong năm 2024: Trên 85% cán bộ quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, chế biến và phát triển thị trường nông - lâm - thủy sản các cấp được bồi dưỡng, cập nhật hàng năm về chuyên môn nghiệp vụ. Tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh nông - lâm - thủy sản được chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đạt từ 95% trở lên; tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh nông - lâm - thủy sản nhỏ lẻ ký cam kết tuân thủ quy định an toàn thực phẩm đạt từ 93,0% trở lên; tỷ lệ gia súc, gia cầm được kiểm soát giết mổ đạt 80%; tỷ lệ cơ sở sơ chế, chế biến thực phẩm nông, lâm sản và thủy sản được chứng nhận HACCP, ISO 2200 hoặc tương đương tăng 5% đến 10% so với năm 2023. Diện tích trồng trọt, diện tích nuôi thủy sản, số cơ sở chăn nuôi được chứng nhận Thực hành nông nghiệp tốt - GAP (như VietGAP, GAHP và tương đương tăng 10% (so với năm 2023). Số lượng sản phẩm OCOP lũy kế được công nhận đạt từ 3 sao trở lên năm 2024 đạt từ 200 sản phẩm trở lên; số lượng sản phẩm nông - lâm - thủy sản được xếp hạng theo bình chọn của Chương trình thương hiệu quốc gia tăng 10% (so với năm 2023). Diện tích đất trồng trọt hữu cơ, theo hướng hữu cơ đạt 0,5% tổng diện tích đất trồng trọt; tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi hữu cơ, theo hướng hữu cơ đạt 1,0% tính trên tổng sản phẩm chăn nuôi sản xuất trong tỉnh; diện tích nuôi trồng thủy sản hữu cơ, theo hướng hữu cơ đạt 0,5% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản. Số sản phẩm nông, thủy sản được phép xuất khẩu nông – lâm - thủy sản đi các thị trường có yêu cầu cấp phép tăng 10% (so với năm 2023)…
Để đạt được những chỉ tiêu nói trên, kế hoạch cũng đã đề ra các giải pháp thực hiện, trong đó sẽ tập trung triển khai Đề án phát triển nhân rộng mô hình chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông – lâm - thủy sản giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa (Quyết định số 1261/QĐ-UBND ngày 13-5-2021 của UBND tỉnh). Nhân rộng, mở rộng tổ chức sản xuất tập trung, quy mô lớn các nông sản chủ lực của tỉnh, gắn với ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp tốt (GAP, VietGAP, VietGAHP, Global GAP,..) và hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến (GMP, HACCP,..) áp dụng hệ thống truy suất nguồn gốc điện tử trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm nông - lâm - thủy sản. Tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đầu tư vào nông nghiệp, tổ chức liên kết nhân rộng các chuỗi cung ứng thực phẩm nông - lâm - thủy sản chất lượng, an toàn; tăng đầu tư cải thiện điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm trong sơ chế, bảo quản, kinh doanh sản phẩm nông sản, thủy sản; nhân rộng mô hình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) theo chuỗi giá trị. Đẩy mạnh phát triển thị trường tiêu thụ nông sản với nhiều hình thức như: Hỗ trợ các cơ sở sản xuất tham gia hội chợ thương mại; phối hợp với các tỉnh, thành phố tổ chức hội nghị kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản; tổ chức tiêu thụ nông sản an toàn trên các trang bán hàng điện tử, mạng xã hội... Hỗ trợ các hợp tác xã sản xuất, tổ hợp tác sản xuất nông sản an toàn trên địa bàn trong việc duy trì chứng nhận VietGAP; ghi chép quá trình sản xuất để chứng minh nguồn gốc, chất lượng sản phẩm và ứng dụng tem truy suất nguồn gốc điện tử. Phối hợp với các sở, ngành và đơn vị liên quan tổ chức các hoạt động kết nối sản xuất với tiêu thụ, xúc tiến thương mại, truyền thông, quảng bá nông sản thực phẩm an toàn…
Xem bản tin gốc Cổng Thông tin điện tử tỉnh Khánh Hòa tại đây
Theo Cổng Thông tin điện tử tỉnh Khánh Hòa (khanhhoa.gov.vn)