UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành đề án “Giải quyết lao động, việc làm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030” với nhiều giải pháp được triển khai trong thời gian tới nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu thực tế.
Nỗ lực chuyển dịch cơ cấu lao động
Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, những năm qua, cơ cấu lao động của tỉnh luôn chuyển dịch phù hợp với cơ cấu phát triển kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng dịch vụ, công nghiệp và giảm dần tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản. Trong đó, dịch vụ chiếm 49,1; công nghiệp - xây dựng chiếm 25,6%; nông, lâm và thủy sản chiếm 25,3%. Để nâng cao tay nghề cho lực lượng lao động, tỉnh quan tâm đầu tư cho 37 cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhằm đáp ứng tốt nhất công tác đào tạo. Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã tuyển sinh đào tạo nghề cho hơn 136.000 người. Nhờ đó, trình độ chuyên môn kỹ thuật nguồn nhân lực trong độ tuổi lao động không ngừng được được nâng lên qua các năm, hiện nay tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn tỉnh đạt 80%.
Đào tạo nghề may tại Trường Trung cấp Nghề Diên Khánh.
Bên cạnh đó, các cấp, ngành, địa phương đã thực hiện đồng bộ các chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn. Thông qua các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, bình quân mỗi năm đã tạo việc làm tăng thêm cho 12.000 người. Trong đó, đề án hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài có 762 người tham gia. Thông qua nguồn vốn Quỹ quốc gia về việc làm, đã thực hiện cho 13.845 dự án vay, tổng kinh phí 640,7 tỷ đồng, qua đó hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho 14.058 lao động. Công tác hỗ trợ phát triển thị trường lao động, kết nối cung - cầu được triển khai đồng bộ. Hàng tháng, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh phối hợp với các hội, đoàn thể, địa phương tổ chức 2 phiên giao dịch việc làm. Từ năm 2016 đến nay, trung tâm đã thực hiện tư vấn việc làm cho 86.601 lượt người; tư vấn học nghề, định hướng nghề nghiệp cho 43.278 lượt người; giới thiệu việc làm cho 43.892 người và cung cấp thông tin thị trường lao động cho 6.816 lượt doanh nghiệp.
Sinh viên Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghệ Nha Trang thực hành theo chương trình liên kết với Đức.
Tuy nhiên, hiện nay, cơ cấu lao động qua đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh vẫn chưa hợp lý, thiếu lao động chất lượng cao của các ngành mũi nhọn. Công tác hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động chưa đáp ứng được nhu cầu của người học nghề và người sử dụng lao động, một số nghề chưa phát huy được hiệu quả sau khi đào tạo, người lao động không duy trì việc làm theo nghề đã được đào tạo. Sự gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp còn hạn chế. Bên cạnh đó, thông tin thị trường lao động chưa được thu thập đầy đủ và cập nhật thường xuyên nên hoạt động phân tích, đánh giá và dự báo có độ tin cậy chưa cao. Hoạt động dịch vụ việc làm còn mang tính đơn điệu, thiếu tập trung và chưa có sự thống nhất kết nối hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm toàn tỉnh...
Triển khai nhiều giải pháp
Mục tiêu của đề án: Giai đoạn 2021 - 2025, số lao động có việc làm tăng thêm bình quân mỗi năm 11.500 người. Tỷ trọng lao động làm việc trong ngành nông - lâm nghiệp - thủy sản đến năm 2025 dưới 30%, đến năm 2030 dưới 20%. Đến năm 2030, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 90%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35-40%. Đến năm 2030, có 45% lao động được tư vấn, giới thiệu có việc làm. |
Ông Văn Đình Tri - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, UBND tỉnh đã ban hành đề án “Giải quyết lao động, việc làm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”. Mục tiêu của đề án là tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo tiền đề vững chắc cho việc xây dựng và phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường lao động. Qua đó, góp phần huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực của tỉnh để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu lao động phù hợp với cơ cấu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là lao động khu vực nông nghiệp, nông thôn; đảm bảo kết nối thông tin thị trường lao động trong và ngoài tỉnh. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu này, các cấp, ngành, địa phương đã và đang tập trung thực hiện nhiều giải pháp trọng tâm. Trong đó, đa dạng công tác tuyên truyền, giáo dục, định hướng nghề nghiệp cho người dân; đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đảm bảo liên kết chặt chẽ và cân đối giữa các bậc đào tạo, ngành nghề đào tạo.
Cùng với đó, xây dựng hệ thống thông tin thị trường lao động, dự báo nguồn nhân lực của địa phương và cả nước để xây dựng, triển khai kế hoạch đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm; thành lập bộ phận quan hệ doanh nghiệp tại các cơ sở đào tạo để nắm bắt nhu cầu, giới thiệu việc làm cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp; xây dựng cơ chế, chính sách thu hút nhân tài phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương; quan tâm hỗ trợ, cung cấp việc làm cho người lao động thông qua các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ngoài ra, tăng cường hỗ trợ tín dụng chính sách thông qua hoạt động cho vay vốn tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; đẩy mạnh công tác đưa người lao động có kỹ thuật đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; thực hiện đồng bộ các chính sách hỗ trợ tạo việc làm và phát triển thị trường lao động; tăng cường kết nối thị trường lao động trong và ngoài nước, phát triển các thị trường lao động đặc thù; hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo gắn với thông tin thị trường lao động…
Xem bài viết gốc Báo Khánh Hòa tại đây