UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành kế hoạch triển khai Quyết định số 1422/QĐ-TTg ngày 19/11/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch quốc gia thích ứng với Biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (cập nhật) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.

Hình ảnh minh họa.
Để thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030, tỉnh Khánh Hòa sẽ triển khai thực hiện 35 nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, có 21 nhóm nhiệm vụ, giải pháp về nâng cao khả năng chống chịu và năng lực thích ứng của hệ thống tự nhiên, kinh tế và xã hội, bảo đảm sinh kế bền vững (mục tiêu 1); 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp về giảm nhẹ rủi ro thiên tai, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai và khí hậu cực đoan gia tăng, góp phần giảm thiểu tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu (mục tiêu 2); 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp về hoàn thiện thể chế, phát huy tiềm năng và nguồn lực nhằm thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu (mục tiêu 3).
Cụ thể, đối với mục tiêu 1, tỉnh sẽ triển khai thực hiện các nhiệm vụ: Xác định vùng hạn chế khai thác nước dưới đất, ngưỡng khai thác nước dưới đất cho các khu vực, áp dụng các biện pháp tích trữ nước, điều hòa phân phối nguồn nước, sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả, hạn chế khai thác, sử dụng nước, chống suy thoái cạn kiệt nguồn nước theo từng cấp độ khan hiếm nước. Khai thác hợp lý diện tích đất chưa sử dụng, đất bãi bồi ven sông, cho phát triển rừng, phát triển cây xanh ở đô thị và khu công nghiệp; nghiên cứu các biện pháp cải tạo, bảo vệ đất sản xuất nông nghiệp bị thoái hóa; ngăn ngừa, giảm thiểu thoái hóa đất do xói mòn, hạn hán. Xây mới các đoạn kè, hệ thống ngăn mặn, kè biển ở những khu vực có nguy cơ chịu ảnh hưởng lớn của lũ, lụt, sạt lở đất, nước biển dâng; xác định khả năng cấp nước của các hồ chứa trên địa bàn tỉnh, xem xét tăng thể tích các hồ chứa nước, nâng cấp công suất các trạm bơm. Xây dựng mô hình chăn nuôi đáp ứng được những điều kiện thay đổi bất thường của thời tiết; tăng cường tận dụng các phế phẩm, phụ phẩm từ sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản. Trồng và bảo vệ rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển; khôi phục và trồng mới rạn san hô tại một số khu vực thuộc vùng biển ven bờ, xã đảo nhằm góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Tăng tỷ lệ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh áp dụng cải tiến kỹ thuật và công nghệ nhằm tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải, bảo vệ môi trường; khuyến khích các doanh nghiệp triển khai đầu tư cải tạo ứng dụng năng lượng mặt trời, ứng dụng các thiết bị hiệu suất cao, thiết bị điều khiển thông minh nhằm nâng cao hiệu quản sử dụng năng lượng...
Đối với mục tiêu 2, tỉnh sẽ thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp: Xây dựng hệ thống cảnh báo sớm cho các vùng thường xuyên bị thiên tai; bổ sung mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn, giám sát mực nước biển, cảnh báo động đất. Tăng cường năng lực cho lực lượng tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn các cấp, bảo đảm an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội trong các tình huống thiên tai. Điều tra, khảo sát và đánh giá hiện trạng chất lượng các hồ chứa nước nhằm đề xuất các giải pháp khắc phục…
Mục tiêu 3 bao gồm các nhiệm vụ, giải pháp: Xây dựng, triển khai các hoạt động nâng cao nhận thức, tăng cường năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ rủi ro thiên tai cho chính quyền các cấp, tổ chức xã hội và cộng đồng. Tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn nâng cao kỹ năng và vai trò của phụ nữ, thanh thiếu niên trong xây dựng và thực hiện các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai. Cập nhật, lồng ghép, tích hợp các nội dung về ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai trong triển khai chương trình giáo dục phổ thông ở tất cả các cấp học, bậc học. Ứng dụng công nghệ GIS và viễn thám để xây dựng hệ thống giám sát, cảnh báo sớm lũ, xâm thực và sạt lở bờ sông, bờ biển; tổ chức và tham gia các chương trình, diễn đàn quốc tế và tăng cường hợp tác, trao đổi trong nghiên cứu, đào tạo và chuyển giao công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu, ngăn ngừa, giảm thiểu tổn thất, thiệt hại do biến đổi khí hậu…