Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành Quyết định số 1025/QĐ-UBND ngày 18 tháng 4 năm 2025 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Đội Kiểm lâm cơ động và Phòng cháy, chữa cháy rừng, các Hạt Kiểm lâm trực thuộc Chi cục Kiểm lâm.
Ảnh minh họa. (Ảnh: baokhanhhoa.vn)
Theo đó, Đội Kiểm lâm cơ động và Phòng cháy, chữa cháy rừng là đơn vị trực thuộc Chi cục Kiểm lâm, có chức năng tham mưu, tổ chức thực hiện các hoạt động kiểm tra, phòng ngừa, ngăn chặn, bảo đảm chấp hành pháp luật về lâm nghiệp; xử lý vi phạm hành chính và áp dụng các biện pháp ngăn chặn hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp; là lực lượng chuyên ngành về phòng cháy, chữa cháy rừng. Đội Kiểm lâm cơ động và Phòng cháy, chữa cháy rừng chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, biên chế, hoạt động của Chi cục Kiểm lâm theo quy định của pháp luật; có tư cách pháp nhân, có trụ sở làm việc, có con dấu riêng, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước theo quy định của pháp luật.
Đội Kiểm lâm cơ động và Phòng cháy, chữa cháy rừng có các nhiệm vụ, quyền hạn: Kiểm tra, tổ chức đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn, bảo đảm chấp hành pháp luật về lâm nghiệp; xử lý vi phạm hành chính và áp dụng các biện pháp ngăn chặn hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp theo quy định của pháp luật và sự chỉ đạo của Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm. Phối hợp với các đơn vị có liên quan trong các hoạt động kiểm tra thuộc thẩm quyền của Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm theo quy định pháp luật và sự chỉ đạo của Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm. Phối hợp, hỗ trợ các Hạt Kiểm lâm cấp huyện và tương đương ngăn chặn, kịp thời xử lý các điểm nóng phá rừng, khai thác, chế biến, mua bán, vận chuyển, tàng trữ lâm sản trái pháp luật, bảo đảm chấp hành pháp luật về lâm nghiệp theo đề nghị của Hạt Kiểm lâm và chỉ đạo của Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm. Thực hiện các nhiệm vụ của lực lượng chuyên ngành về phòng cháy, chữa cháy rừng trong phạm vi hoạt động của Chi cục Kiểm lâm… Về cơ cấu tổ chức, Đội Kiểm lâm cơ động và Phòng cháy, chữa cháy rừng có Đội trưởng và không quá 2 Phó Đội trưởng theo quy định của pháp luật; có 2 bộ phận chuyên môn nghiệp vụ là Tổ chức, hành chính và Pháp chế.
Đối với Hạt Kiểm lâm, đây là cơ quan hành chính nhà nước trực thuộc Chi cục Kiểm lâm, được tổ chức và bố trí trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, có chức năng tham mưu cho Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm và Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là UBND cấp huyện) quản lý nhà nước về lâm nghiệp; bảo đảm chấp hành pháp luật về lâm nghiệp trên địa bàn quản lý. Hạt Kiểm lâm chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, biên chế và hoạt động của Chi cục Kiểm lâm; có tư cách pháp nhân, trụ sở làm việc, con dấu riêng, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước theo quy định của pháp luật.
Hạt Kiểm lâm có các nhiệm vụ, quyền hạn sau: Tham mưu cho Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm và UBND cấp huyện xây dựng chương trình, kế hoạch, phương án về quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng, bảo đảm chấp hành pháp luật về lâm nghiệp trên địa bàn quản lý; phối hợp các cơ quan, tổ chức, lực lượng khác trên địa bàn bảo vệ rừng thuộc sở hữu toàn dân nơi Nhà nước chưa giao, chưa cho thuê; giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư. Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ về quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng, bảo đảm chấp hành pháp luật về lâm nghiệp trên phạm vi địa bàn được giao quản lý. Quản lý, chỉ đạo hoạt động của Trạm Kiểm lâm và Kiểm lâm làm việc tại địa bàn thực hiện văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, kế hoạch, phương án về quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng, bảo đảm chấp hành pháp luật về lâm nghiệp…
Cơ cấu tổ chức của Hạt Kiểm lâm gồm có Hạt trưởng và không quá 2 Phó Hạt trưởng theo quy định của pháp luật. Các bộ phận chuyên môn nghiệp vụ gồm: Tổ chức, hành chính; Pháp chế; Quản lý, bảo vệ rừng và Bảo tồn thiên nhiên; Sử dụng và Phát triển rừng. Ngoài ra, Hạt Kiểm lâm còn có các Tổ Kiểm lâm cơ động và Phòng cháy, chữa cháy rừng; Trạm Kiểm lâm.