UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện Chỉ thị số 2592/CT-BNN-TL ngày 10-4-2024 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tăng cường công tác đảm bảo an toàn công trình thủy lợi, đê điều trong mùa mưa, lũ năm 2024.
Hồ chứa nước Suối Dầu (Cam Lâm, Khánh Hòa). Ảnh minh họa. Ảnh: NguyenWonbi.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố: Tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về thủy lợi, đê điều, phòng, chống thiên tai nhằm nâng cao nhận thức của người dân, hiệu quả quản lý, khai thác, bảo đảm an toàn công trình. Thực hiện nghiêm các quy định tại Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 4-9-2018 của Chính phủ về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước. Chủ động bố trí kinh phí để thực hiện quy trình vận hành đập, hồ chứa nước; chủ động xây dựng phương án ứng phó với thiên tai cho từng đập, hồ chứa nước, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định, thời gian hoàn thành trước ngày 30-5-2024. Tổng kết, đánh giá công tác bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, đê điều trên địa bàn; rà soát, kiện toàn, phân công cụ thể trách nhiệm của các cơ quan quản lý chuyên ngành và chính quyền địa phương các cấp. Trên cơ sở kiểm tra, đánh giá hiện trạng hệ thống công trình thủy lợi, đê kè, phát hiện những hư hỏng, các yếu tố bất lợi có nguy cơ đe dọa an toàn công trình; xây dựng phương án đảm bảo an toàn công trình, nhất là các vị trí, khu vực trọng điểm xung yếu theo phương châm “4 tại chỗ”; phối hợp chặt chẽ với lực lượng quân đội đóng quân trên địa bàn để chuẩn bị hộ đê, bảo vệ công trình theo phương án được duyệt. Trong đó, căn cứ phương án được duyệt, chuẩn bị đủ số lượng, chủng loại vật tư dự trữ cho từng tuyến đê, công trình thủy lợi; ngoài vật tư dự trữ của nhà nước hiện có trên địa bàn, cần có kế hoạch huy động vật tư trong nhân dân để sử dụng trong trường hợp xảy ra sự cố (kể cả vật tư, thiết bị của các doanh nghiệp, cơ quan đóng trên địa bàn).
UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các địa phương, đơn vị thực hiện công tác đảm bảo an toàn công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh; tổng hợp tình hình, kết quả kiểm tra, đánh giá an toàn công trình thủy lợi trước mùa mưa, lũ, báo cáo UBND tỉnh và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước 30-8-2024. Sau mùa mưa, lũ phải kiểm tra, đánh giá lại hiện trạng công trình để có phương án sửa chữa, khắc phục.
Các đơn vị quản lý hồ chứa thực hiện nghiêm các quy định tại Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 4-9-2018 của Chính phủ về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước. Cập nhật thông tin vận hành các hồ chứa tối thiểu 2 lần/ngày trong điều kiện thời tiết bình thường và 4 lần/ngày khi có mưa, lũ (trong trường hợp mực nước hồ cao hơn mực nước thiết kế phải quan trắc tối thiểu 1 lần/giờ) lên trang điện tử thu thập thông tin điều hành hệ thống thủy lợi của Cục Thủy lợi (địa chỉ: www.thuyloivietnam.vn). Vận hành thử các cửa van, thiết bị phục vụ xả lũ của các hồ chứa nước và bố trí đủ thiết bị dự phòng bảo đảm vận hành công trình trong mọi tình huống; bố trí hệ thống thông tin, cảnh báo cho người dân ở hạ du khi xả lũ các hồ chứa. Khơi thông hệ thống kênh tiêu để chủ động tiêu, thoát lũ. Tổ chức kiểm tra, đánh giá an toàn công trình thuộc phạm vi quản lý. Trên cơ sở đó, lập danh mục các công trình hư hỏng, xuống cấp có nguy cơ mất an toàn, đề xuất kinh phí sửa chữa, khắc phục; đồng thời có biện pháp sửa chữa ngay các công trình có nguy cơ mất an toàn trước mùa mưa, lũ, tránh để xảy ra sự cố mất an toàn cho công trình và vùng hạ du. Tính toán cụ thể và xây dụng phương án tích nước của các hồ chứa nhằm đảm bảo an toàn công trình, trình cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quyết định, phê duyệt…
Xem bản tin gốc Cổng Thông tin điện tử tỉnh Khánh Hòa tại đây
Theo Cổng Thông tin điện tử tỉnh Khánh Hòa (khanhhoa.gov.vn)