UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 13/CT-UBND ngày 15/11/2024 về tăng cường phòng ngừa ngộ độc thực phẩm trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.
Hình ảnh minh họa. Nguồn hình ảnh: Báo Chính phủ.
Để chủ động triển khai có hiệu quả công tác phòng ngừa ngộ độc thực phẩm trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác phòng ngừa ngộ độc thực phẩm trên địa bàn thuộc thẩm quyền quản lý.
Theo đó, để đảm bảo phòng ngừa ngộ độc thực phẩm trên địa bàn tỉnh thực hiện một số nội dung như sau:
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm tra đột xuất việc chấp hành các quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với các cơ sở thuộc thẩm quyền quản lý; xử lý nghiêm các vi phạm, kiên quyết đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở không bảo đảm an toàn thực phẩm, thu hồi và xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm, thực phẩm có nguy cơ gây ngộ độc.
- Đẩy mạnh việc thông tin, tuyên truyền, tập huấn, phổ biến các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm, nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm và phòng ngừa ngộ độc thực phẩm tại cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đặc biệt các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống gần các điểm, khu du lịch; các cơ sở chế biến suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể của trường học, khu công nghiệp, cụm công nghiệp...
- Tiếp tục thực hiện đầy đủ, có hiệu quả các biện pháp giám sát các nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm, thông tin và cảnh báo nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm do vi sinh vật, độc tố tự nhiên (ngộ độc do cóc, nấm độc, cá nóc, so biển, ốc lạ...); các nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm do methanol trong rượu, hóa chất bảo vệ thực vật, sử dụng chất cấm trong trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất, chế biến các sản phẩm, nguyên liệu thuộc thẩm quyền quản lý.
- Tổ chức diễn tập và chuẩn bị các phương án cấp cứu, điều trị kịp thời cho người bị ngộ độc thực phẩm, bảo đảm tốt nhất cho sức khỏe, tính mạng người dân khi xảy ra ngộ độc thực phẩm; chủ động chuẩn bị vật tư, thuốc, phương tiện để khắc phục hậu quả ngộ độc thực phẩm trong trường hợp cần thiết…
- Tăng cường nắm tình hình, thực hiện tốt công tác quản lý địa bàn, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm tội phạm, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực an toàn thực phẩm. Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép, tiêu thụ thực phẩm nhập lậu, nghi nhập lậu và sản xuất, buôn bán thực phẩm giả, kém chất lượng. Khi phát hiện các vụ việc vi phạm phải truy nguyên nguồn gốc, đầu ra của sản phẩm để xử lý triệt để, ngăn chặn không để thực phẩm “bẩn” tiếp tục lây lan.
- Tăng cường tổ chức tập huấn, tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức về an toàn thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm, ý thức chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm bằng nhiều hình thức phù hợp, hiệu quả…