UBND tỉnh vừa có văn bản chỉ đạo về việc thúc đẩy xuất khẩu động vật và sản phẩm động vật.
Theo đó, UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan, chủ động triển khai thực hiện các ý kiến chỉ đạo của Bộ NN-PTNT tại Công văn số 6664/BNN-TY ngày 9-9-2024 theo thẩm quyền; báo cáo, tham mưu đề xuất các nội dung thuộc thẩm quyền UBND tỉnh theo đúng quy định trước ngày 22-10-2024.
Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi trang trại công nghệ cao theo chuỗi khép kín, bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc. Ảnh minh họa. Ảnh: baokhanhhoa.vn.
Được biết, để mở cửa các thị trường mới cũng như tiếp tục duy trì và tăng khối lượng xuất khẩu động vật và sản phẩm động vật của Việt Nam vào thị trường các nước đang xuất khẩu, Bộ NN-PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố rà soát quy hoạch và phát triển chăn nuôi theo vùng sản xuất gắn với chế biến, bảo quản và thị trường tiêu thụ sản phẩm; đẩy mạnh phát triển chăn nuôi trang trại công nghệ cao theo chuỗi khép kín, bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và doanh nghiệp có hoạt động trên địa bàn tổ chức nghiên cứu kĩ các quy định của Việt Nam, quy định của quốc tế, yêu cầu của các nước nhập khẩu để xây dựng kế hoạch cụ thể và tổ chức xây dựng các chuỗi, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn của Việt Nam, tiến tới đáp ứng tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y Thế giới. Có chính sách ưu đãi, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư chuỗi sản xuất khép kín, bao gồm cả nhà máy công nghệ chế biến sản phẩm chăn nuôi nhằm đa dạng hóa chủng loại sản phẩm, phù hợp với từng thị trường, vùng miền, tăng khả năng xuất khẩu được sản phẩm. Chỉ đạo tổ chức thực hiện các biện pháp phòng và kiểm soát dịch bệnh, đảm bảo không để phát sinh dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, đặc biệt là đối với các dịch bệnh quan trọng, có ảnh hưởng đến thương mại động vật và sản phẩm động vật theo khuyến cáo của Tổ chức Thú y Thế giới. Hàng năm bố trí kinh phí giám sát các bệnh trên gia súc, gia cầm; giám sát các chỉ tiêu vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm tại các vùng xung quanh chuỗi chăn nuôi động vật, sản xuất sản phẩm động vật phục vụ xuất khẩu theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn…
Hiện nay, ngành chăn nuôi của tỉnh Khánh Hòa đang tập trung chuyển dịch theo hướng nâng cao về số lượng, chất lượng con giống và sản phẩm chăn nuôi; phương thức sản xuất chuyển dịch theo hướng tăng tỷ lệ chăn nuôi trang trại theo hướng an toàn sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái. 8 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh có tổng đàn trâu: 3.776 con, bò: 71.104 con; tổng đàn lợn: 258.698 con; tổng đàn gia cầm: 3,15 triệu con. Về quy mô chăn nuôi, toàn tỉnh có 282 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, trong đó có: 36 trang trại chăn nuôi quy mô lớn; 91 trang trại chăn nuôi quy mô vừa và 155 trang trại chăn nuôi quy mô nhỏ. |
Xem bản tin gốc Cổng Thông tin điện tử tỉnh Khánh Hòa tại đây
Theo Cổng Thông tin điện tử tỉnh Khánh Hòa (khanhhoa.gov.vn)
Hoàng Hợi (St)