Kể từ ngày 01 tháng 6 năm 2023 Quyết định 13/2023/QĐ-UBND ngày 19 tháng 5 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa ban hành Quy định về một số nội dung quản lý chợ trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có hiệu lực pháp luật.
Quyết định này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động về kinh doanh, phát triển và quản lý chợ trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.
Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Công Thương là cơ quan thường trực tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai các nội dung liên quan đến quy hoạch, kế hoạch, phương hướng phát triển chợ; phổ biến, hướng dẫn triển khai quy định về quản lý chợ; tham mưu đề xuất tỉnh ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng chợ và phát triển mạng lưới chợ trên địa bàn tỉnh.
Tổ chức quản lý chợ
Tổ chức quản lý chợ trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa bao gồm: Ban quản lý chợ, Tổ quản lý chợ do Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền thành lập; Doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh, khai thác, quản lý chợ.
Đối với các chợ xây dựng mới: Tổ chức quản lý chợ là chủ đầu tư hoặc tổ chức được lựa chọn kinh doanh, khai thác, quản lý chợ.
Đối với các chợ đang hoạt động: (a) Chợ đang hoạt động do doanh nghiệp hoặc hợp tác xã kinh doanh, khai thác, quản lý chợ: đơn vị quản lý chợ tiếp tục hoạt động theo quy định pháp luật hiện hành. (b) Chợ đang hoạt động do Ban quản lý, Tổ quản lý chợ kinh doanh, khai thác, quản lý chợ: từng bước thực hiện chuyển đổi sang loại hình doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh, khai thác, quản lý chợ.
Trách nhiệm của Tổ chức quản lý chợ: (a) Lập phương án bố trí, sắp xếp ngành nghề kinh doanh, sử dụng điểm kinh doanh tại chợ bảo đảm phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, an toàn thực phẩm và trình Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền phê duyệt. (b) Ký hợp đồng với thương nhân sử dụng hoặc thuê điểm kinh doanh theo phương án khai thác, bố trí, sắp xếp ngành nghề kinh doanh, sử dụng điểm kinh doanh tại chợ đã xây dựng theo quy định của pháp luật. (c) Thực hiện bố trí, sắp xếp thương nhân sử dụng điểm kinh doanh theo phương án bố trí, sắp xếp ngành nghề kinh doanh, sử dụng điểm kinh doanh đã được phê duyệt; thực hiện bố trí, sắp xếp thương nhân thuê điểm kinh doanh thực hiện theo hình thức bốc thăm đối với chợ có sử dụng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước. (d) Tuân thủ các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh, khai thác và quản lý chợ. Hàng năm, tổng hợp tình hình hoạt động kinh doanh của chợ, rà soát phương án bố trí, sắp xếp ngành nghề kinh doanh, sử dụng điểm kinh doanh, nội quy hoạt động; Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ 6 tháng, năm (trước ngày 15/6 và ngày 15/12) hoặc đột xuất theo yêu cầu của Sở Công Thương và Ủy ban nhân dân cấp huyện. (đ) Phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn tổ chức bảo đảm phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường, an ninh trật tự và an toàn thực phẩm trong phạm vi chợ. (e) Có nghĩa vụ đăng ký, kê khai, nộp, quyết toán các loại thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước do cơ quan thuế quản lý theo pháp luật về thuế hiện hành phù hợp với thực tế hoạt động kinh doanh của tổ chức.
Phân cấp quản lý nhà nước về chợ
Đối với chợ hạng 1 thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban nhân dân tỉnh.
Ban hành Quyết định giao hoặc tổ chức đấu giá lựa chọn tổ chức quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng chợ hạng 1 do Nhà nước đầu tư hoặc hỗ trợ vốn đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật.
Xem xét, phê duyệt phương án bố trí, sắp xếp ngành nghề kinh doanh, sử dụng điểm kinh doanh tại các chợ hạng 1.
Đối với chợ hạng 2, hạng 3 thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban nhân dân cấp huyện.
Ban hành Quyết định giao hoặc tổ chức đấu giá lựa chọn tổ chức quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng chợ hạng 2, hạng 3 trên địa bàn do Nhà nước đầu tư hoặc hỗ trợ vốn đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật.
Xem xét, phê duyệt phương án bố trí, sắp xếp ngành nghề kinh doanh, sử dụng điểm kinh doanh tại các chợ hạng 2, hạng 3 trên địa bàn.
Mời bạn đọc xem toàn văn Quyết định tại đây.