UBND tỉnh vừa có văn bản chỉ đạo thực hiện Công điện số 126/CĐ-TTg ngày 10-3-2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc kiểm tra, rà soát và đầu tư xây dựng trường học, cơ sở y tế tại các khu đô thị, khu nhà ở, khu dân cư, khu công nghiệp và nhà vệ sinh công cộng tại trường học, đô thị.
Kiểm tra, rà soát và đầu tư xây dựng trường học, cơ sở y tế tại các khu đô thị. Ảnh minh họa.
Theo đó, về các công trình hạ tầng giáo dục (trường mầm non, trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông), cơ sở y tế (nếu có) tại các khu đô thị, khu dân cư, khu nhà ở, khu công nghiệp, khu kinh tế, UBND tỉnh giao Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan: Khẩn trương kiểm tra thực trạng tình hình, đánh giá mức độ đáp ứng yêu cầu theo quy hoạch và quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật có liên quan; xem xét ưu tiên bố trí nguồn lực để đầu tư xây dựng mới các công trình hạ tầng giáo dục thuộc trách nhiệm đầu tư của nhà nước; yêu cầu chủ đầu tư dự án và các cơ quan, tổ chức có liên quan khẩn trương thực hiện hoàn thiện đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng trong dự án. Đối với các trường học, cơ sở y tế hiện hữu, ưu tiên bố trí nguồn lực để nâng cấp, cải tạo, nâng cao chất lượng, năng lực phục vụ. Đến năm 2025, bảo đảm các đô thị từ loại III trở lên đáp ứng tiêu chuẩn phân loại đô thị về hạ tầng giáo dục cấp đô thị.
Về hệ thống nhà vệ sinh công cộng tại các trường học, UBND tỉnh giao Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan khẩn trương kiểm tra thực trạng tình hình, đánh giá mức độ đáp ứng yêu cầu theo quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật có liên quan, báo cáo, đề xuất giải pháp tham mưu UBND tỉnh trước ngày 5-4-2023, đồng thời gửi báo cáo về Sở Xây dựng.
Về hệ thống nhà vệ sinh công cộng tại khu công cộng đô thị, khu du lịch, UBND tỉnh giao UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các cơ quan có chức năng khẩn trương lập kế hoạch sửa chữa, nâng cấp bảo đảm theo công năng, sử dụng thuận tiện, đáp ứng yêu cầu vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị, hoàn thành chậm nhất trong quý III-2023; lập chỉ dẫn các nhà vệ sinh công cộng để người dân và du khách tiếp cận sử dụng. Những nơi chưa có, cần khẩn trương quy hoạch, sắp xếp bố trí quỹ đất, huy động nguồn lực, tháo gỡ các vướng mắc, bất cập trong tổ chức quản lý, vận hành và các vấn đề phối hợp liên ngành, bảo đảm năm 2023 hoàn thành đầu tư xây dựng. Khuyến khích việc nghiên cứu, áp dụng các mô hình mới đáp ứng yêu cầu về tiện ích, mỹ quan đô thị, thân thiện môi trường.
Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố nghiên cứu, đề xuất việc huy động đa dạng các nguồn lực đầu tư, xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và mạng lưới cung cấp các dịch vụ đô thị, nhất là dịch vụ giáo dục, văn hóa, y tế, chăm sóc sức khỏe, môi trường. Trong đó cần chủ động có các giải pháp thu hút các nguồn lực xã hội để tham gia đầu tư, quản lý, vận hành theo phương thức đối tác công tư.
Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế và UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác các công trình giáo dục mầm non, tiểu học, y tế (nếu có), nhà vệ sinh công cộng trên địa bàn; kịp thời phát hiện và có biện pháp xử lý nghiêm đối với các trường hợp chủ đầu tư chưa thực hiện đầy đủ, đúng thời hạn các trách nhiệm và nghĩa vụ theo nội dung dự án được phê duyệt; kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với các dự án không triển khai, chậm tiến độ; báo cáo tham mưu nội dung thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh…
Xem bản tin gốc của Cổng Thông tin điện tử tỉnh Khánh Hòa tại đây