UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành chỉ thị về việc tăng cường công tác quản lý, kiểm soát giết mổ động vật bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh.
Ảnh minh họa. Ảnh: baokhanhhoa.vn.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành rà soát, chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với các địa điểm đã được quy hoạch khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung theo đúng quy định; xây dựng phương án giải phóng mặt bằng, hệ thống giao thông, điện nước đảm bảo sẵn sàng nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư, xây dựng. Chủ trì, phối hợp các sở, ngành và đơn vị liên quan tổ chức chỉ đạo thực hiện rà soát, kiểm tra, đánh giá và quản lý các cơ sở giết mổ nhỏ, lẻ trên địa bàn đảm bảo đúng lộ trình: Đến cuối năm 2023, phải chấm dứt hoạt động các cơ sở giết mổ không đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm (theo Quyết định số 2094/QĐ-UBND ngày 29-7-2022). Chỉ đạo UBND cấp xã quản lý chặt chẽ cơ sở giết mổ nhỏ, lẻ theo Luật Thú y ngày 19-6-2015 và các quy định pháp luật; xây dựng lộ trình đưa cơ sở giết mổ nhỏ, lẻ vào cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung; chủ trì, phối hợp với ngành thú y tổ chức cho cơ sở giết mổ ký cam kết sản xuất thực phẩm an toàn và xây dựng kế hoạch kiểm tra thực hiện, chấp hành nội dung cam kết về điều kiện an toàn thực phẩm; kiên quyết xử lý theo quy định pháp luật đối với cơ sở giết mổ không bảo đảm vệ sinh thú y và không bảo đảm an toàn thực phẩm. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhà nước, pháp luật chuyên ngành, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, an toàn thực phẩm; tuyên truyền nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, người kinh doanh, giết mổ động vật bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm…
* Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay, trên địa bàn tỉnh vẫn còn 108 cơ sở giết mổ nhỏ, lẻ nằm trong khu dân cư chưa đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm (thành phố Nha Trang có 24 cơ sở, thành phố Cam Ranh có 22 cơ sở, thị xã Ninh Hòa có 21 cơ sở và huyện Vạn Ninh có 19 cơ sở). Thực trạng trên cho thấy việc kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm chưa đáp ứng yêu cầu, tiềm ẩn nguy cơ giết mổ động vật chết, động vật mắc bệnh, làm lây lan dịch bệnh và mất an toàn vệ sinh thực phẩm là rất lớn.
|
Xem bản tin gốc của Cổng Thông tin điện tử tỉnh Khánh Hòa tại đây
Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Khánh Hòa (khanhhoa.gov.vn)