Từ ngày 10 tháng 10 năm 2022, Quyết định 2800/QĐ-UBND của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh có hiệu lực. Quyết định này ban hành Quy trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục đăng ký khai sinh trực tuyến thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp huyện, UBND cấp xã trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.
Điều kiện thực hiện quy trình:
(1) Người có yêu cầu đăng ký hộ tịch có tài khoản đăng nhập vào Cổng Dịch vụ công, đã được định danh và xác thực người dùng (tài khoản định danh điện tử) theo quy định.
(2) Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh được thực hiện với điều kiện cổng dịch vụ công/Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh đã hoàn thành việc kết nối, khai thác dữ liệu công dân từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và kết nối, liên thông các dữ liệu hộ tịch với Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung của Bộ Tư pháp, bảo đảm về tính chính xác, giá trị pháp lý của dữ liệu công dân.
Quy trình thực hiện:
Bước 1: Nộp hồ sơ yêu cầu đăng ký khai sinh (ĐKKS) trực tuyến
(1) Người có yêu cầu ĐKKS trực tuyến thực hiện:
Truy cập một trong hai cổng dịch vụ công sau đây:
- Cổng dịch vụ công quốc gia (https://dichvucong.gov.vn);
- Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh (https://dichvucong.khanhhoa.gov.vn).
(2) Đăng ký/đăng nhập tài khoản, xác thực định danh điện tử để xác định đúng nhân thân người có yêu cầu đăng ký hộ tịch, thực hiện quy trình nộp hồ sơ ĐKKS trực tuyến.
(3) Cung cấp thông tin trên biểu mẫu hộ tịch điện tử tương tác ĐKKS thực hiện thao tác tải lên (upload) các giấy tờ, tài liệu (thành phần hồ sơ ĐKKS điện tử theo hướng dẫn).
(4) Nộp phí (nếu có yêu cầu cấp bản sao Giấy khai sinh), lệ phí ĐKKS (nếu thuộc trường hợp phải nộp lệ phí) thông qua chức năng thanh toán trực tuyến tích hợp trên cổng dịch vụ công; (mức phí, lệ phí theo huớng dẫn về phí, lệ phí).
Hoàn tất việc nộp hồ sơ ĐKKS trực tuyến.
Bước 2, 3 và 4: Tiếp nhận, kiểm tra và thẩm tra hồ sơ
- Trường hợp hồ sơ đầy đủ, hợp lệ thì chuyển hồ sơ ĐKKS để công chức làm công tác hộ lịch xử lý. Nếu tiếp nhận hồ sơ sau 15h00 mà không thể giải quyết ngay thì có Phiếu hẹn Trả kết quả cho công dân trong ngày làm việc tiếp theo. Ngay sau khi Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trả về số định danh cá nhân thì in Giấy khai sinh và chuyển Bộ phận một cửa trả kết quả cho công dân.
- Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ thì có văn bản hướng dẫn người yêu cầu bổ sung, hoàn thiện hồ sơ, nêu rõ loại giấy tờ, nội dung cần bổ sung để người có yêu cầu bổ sung, hoàn thiện. Nếu người có yêu cầu ĐKKS không bổ sung, hoàn thiện được hồ sơ thì báo cáo Trưởng bộ phận một cửa có văn bản từ chối giải quyết yêu cầu ĐKKS.
Bước 5: Trả kết quả
(1) Người yêu cầu ĐKKS:
- Xuất trình:
+ Giấy tờ tuỳ thân (để chứng minh về nhân thân);
+ Bản chính Giấy chứng nhận kết hôn (nếu cha mẹ của trẻ đã đăng ký kết hôn). Trường hợp đã tải lên bản điện tử Giấy Chứng nhận kết hôn thì không phải xuất trình.
- Nộp bản chính các giấy tờ, tài liệu theo thành phần hồ sơ. Trường hợp đã tải lên bản điện tử Giấy chứng sinh thì không phải nộp Giấy chứng sinh.
(2) Công chức Bộ phận một cửa kiểm tra, đối chiếu, lưu hồ sơ theo quy định pháp luật hộ tịch, trừ các giấy tờ đã nộp bản điện tử (nếu có).
(3) Người yêu cầu ĐKKS:
- Kiểm tra thông tin trên Giấy khai sinh và sổ ĐKKS;
- Ký Sổ ĐKKS;
- Nộp phí, lệ phí theo quy định (đối với trường hợp chưa nộp được phí, lệ phí thông qua chức năng thanh toán trên cổng dịch vụ công).
- Nhận Giấy khai sinh/bản sao Giấy khai sinh (nếu có).
Lưu ý: Nếu người có yêu cầu ĐKKS có yêu cầu cấp Giấy khai sinh điện tử thì công chức làm công tác hộ tịch tham mưu thực hiện; chuyển trả kết quả là Giấy khai sinh được ký số cho người có yêu cầu sau khi hoàn thành Bước 5.
Thành phần hồ sơ ĐKKS điện tử:
(1) Biểu mẫu hộ tịch điện tử tương tác ĐKKS (do người yêu cầu cung cấp thông tin/khai thác thông tin từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo nội dung quy định tại Phụ lục số 02 ban hành kèm theo Thông tư số 01/2022/TT-BTP).
(2) Người có yêu cầu ĐKKS tải lên bản chụp các giấy tờ sau:
- Giấy chứng sinh, trường hợp không có Giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh, nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh.
- Biên bản về việc trẻ bị bỏ rơi do cơ quan có thẩm quyền lập trường hợp trẻ em bị bỏ rơi.
- Văn bản xác nhận của cơ sở y tế đã thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản cho việc mang thai hộ, trường hợp khai sinh cho trẻ em sinh ra do mang thai hộ.
- Văn bản ủy quyền (được chứng thực) theo quy định của pháp luật trong trường hợp ủy quyền thực hiện việc ĐKKS. Trường hợp người đi ĐKKS cho trẻ em là ông, bà, người thân thích khác thì không phải có văn bản ủy quyền của cha mẹ trẻ em, nhưng phải thống nhất với cha, mẹ trẻ em về nội dung khai sinh.
- Giấy tờ tùy thân trong trường hợp không sử dụng Thẻ CCCD.
- Giấy chứng nhận kết hôn trường hợp cha, mẹ của trẻ đã đăng ký kết hôn và chưa có thông tin về Giấy chứng nhận kết hôn trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
- Trường hợp cha hoặc mẹ hoặc cả cha, mẹ là người nước ngoài thì phải có văn bản thỏa thuận của cha, mẹ về việc lựa chọn quốc tịch cho con. Trường hợp cha, mẹ lựa chọn quốc tịch nước ngoài cho con, thì ngoài văn bản thỏa thuận lựa chọn quốc tịch còn phải có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền của nước mà trẻ được chọn mang quốc tịch về việc trẻ có quốc tịch phù hợp quy định pháp luật của nước đó (Đối với trường hợp ĐKKS thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện).
Thời hạn giải quyết:
Ngay trong ngày làm việc, trường hợp nhận hồ sơ sau 15 giờ mà không giải quyết được ngay thì trả kết quả trong ngày làm việc tiếp theo.
Phí, lệ phí:
(1) Miễn phí:
- Cấp xã: Miễn lệ phí đối với các trường hợp ĐKKS đúng hạn, đăng ký cho người thuộc gia đình có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, người khuyết tật.
- Cấp huyện: Miễn lệ phí đăng ký cho người thuộc gia đình có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, người khuyết tật.
(2) Thu phí:
- Cấp xã: 3.500 đồng/trường hợp khi đăng ký khai sinh quá hạn;
- Cấp huyện: 30.000 đồng/trường hợp khi đăng ký khai sinh đúng hạn, trễ hạn;
- Phí cấp bản sao Giấy khai sinh (nếu có yêu cầu): 8.000 đồng/bản sao (kể cả cấp xã và cấp huyện).
Mời bạn đọc xem toàn văn Quyết định tại đây./.