(Chinhphu.vn) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 81/2022/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Ngoại giao.
Cơ cấu tổ chức gồm 28 đơn vị, tổ chức
Nghị định nêu rõ, Bộ Ngoại giao là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đối ngoại, gồm: Công tác ngoại giao, biên giới, lãnh thổ quốc gia, công tác đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế, quản lý các cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài (gọi chung là cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài) và hoạt động của các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam; quản lý nhà nước các dịch vụ công trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Ngoại giao theo quy định của pháp luật.
Bộ Ngoại giao thực hiện 30 nhiệm vụ và quyền hạn
Bộ Ngoại giao thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Nghị định số 123/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ, Nghị định số 101/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2016/NĐ-CP và những nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể sau đây:
1. Trình Chính phủ dự án luật, dự thảo nghị quyết của Quốc hội, dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo nghị định của Chính phủ theo chương trình, kế hoạch xây dựng pháp luật hằng năm của Chính phủ và các nghị quyết, dự án, đề án theo phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
2. Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển dài hạn, trung hạn, hằng năm và các dự án, công trình quan trọng, chương trình mục tiêu quốc gia về ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Ngoại giao.
3. Trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo quyết định, chỉ thị và các văn bản khác về ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Ngoại giao hoặc theo phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
4. Ban hành thông tư và các văn bản khác về quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Ngoại giao.
5. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình mục tiêu quốc gia thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Ngoại giao sau khi được phê duyệt; tổ chức thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Ngoại giao.
6. Về quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại theo quy định của pháp luật: Chủ trì tổng hợp, xây dựng kế hoạch hoạt động đối ngoại hằng năm và cả nhiệm kỳ của lãnh đạo Đảng và Nhà nước; tổ chức triển khai các hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Đảng và Nhà nước theo quy định và phân câp quản lý.
7. Quản lý các hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Ngoại giao theo quy định của pháp luật; định kỳ hằng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam.
8. Chủ trì, phối hợp nghiên cứu, tổng hợp, đề xuất các vấn đề liên quan đến việc bảo vệ chủ quyền và lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức và công dân Việt Nam ở nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam, luật pháp quốc tế và theo phân công của Thủ tướng Chính phủ.
9. Về công tác nghiên cứu và tham mưu dự báo chiến lược: Thông tin và tham mưu kịp thời cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các vấn đề liên quan đến tình hình thế giới và quan hệ quốc tế của Việt Nam.
10. Về đại diện trong hoạt động đối ngoại nhà nước: Đại diện cho Nhà nước trong quan hệ ngoại giao với các nước, các tổ chức quốc tế liên chính phủ; tiến hành các hoạt động đối ngoại của Nhà nước theo quy định của pháp luật.
11. Về công tác lễ tân nhà nước: Chuẩn bị và phục vụ các đoàn cấp cao nhà nước đi thăm các nước hoặc dự hội nghị quốc tế; tổ chức đón tiếp các đoàn cấp cao các nước, các tổ chức quốc tế thăm Việt Nam theo quy định của pháp luật.
12. Về công tác ngoại giao kinh tế: Xây dựng quan hệ chính trị và khung pháp lý song phương, đa phương phù hợp nhằm thúc đẩy các hoạt động kinh tế đối ngoại và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.
13. Về công tác ngoại giao văn hóa: Xây dựng cơ sở pháp lý và chính sách về công tác ngoại giao văn hóa; tham mưu xử lý các vấn đề nảy sinh liên quan đến ngoại giao văn hóa theo phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
14. Về công tác thông tin đối ngoại: Chủ trì triển khai tuyên truyền về các hoạt động đối ngoại.
15. Về công tác lãnh sự: Bảo hộ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế.
16. Về công tác đối với hoạt động di cư của công dân Việt Nam ra nước ngoài: Chủ trì xây dựng chủ trương, chính sách về vấn đề di cư quốc tế, các biện pháp thúc đẩy di cư hợp pháp, an toàn và trật tự phù hợp với điều kiện của Việt Nam và thông lệ quốc tế.
17. Về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài: Chủ trì nghiên cứu, tổng hợp tình hình, đề xuất và thực hiện chủ trương, chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài.
18. Về biên giới, lãnh thổ quốc gia: Tham mưu, đề xuất xác định biên giới quốc gia, phạm vi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên đất liền, hải đảo, vùng trời, các vùng biển của Việt Nam.
19. Về quản lý cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài: Chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước đối với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện đường lối, chính sách đối ngoại của Nhà nước và việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và thành viên của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài theo quy định của pháp luật.
20. Về quản lý hoạt động đối ngoại đối với đại diện của các cơ quan, tổ chức của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài: Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện đường lối, chính sách của Nhà nước, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức Việt Nam ở nước ngoài theo quy định của pháp luật.
21. Quản lý hoạt động của các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự, cơ quan lãnh sự danh dự nước ngoài và các cơ quan đại diện các tổ chức quốc tế liên chính phủ đặt tại Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế.
22. Quản lý các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam; cấp, gia hạn, sửa đổi, bổ sung, thu hồi Giấy đăng ký của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam theo quy định của pháp luật.
23. Về công tác điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế: Thực hiện quản lý nhà nước về công tác điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế.
24. Chủ trì xây dựng và triển khai các chủ trương, chính sách của Việt Nam tại các diễn đàn đa phương về phát triển luật pháp quốc tế.
25. Quản lý tổ chức bộ máy, biên chế, vị trí việc làm, thực hiện chế độ tiền lương, đào tạo, bồi dưỡng, thi đua, khen thưởng, kỷ luật và các chế độ, chính sách khác đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc phạm vi quản lý của Bộ Ngoại giao theo quy định của pháp luật.
26. Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Ngoại giao; tổ chức tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng, chống tham nhũng, lãng phí và xử lý các vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Ngoại giao theo quy định của pháp luật.
27. Quản lý, tổ chức thực hiện công tác tài chính, tài sản nhà nước và đầu tư xây dựng cơ bản thuộc phạm vi quản lý của Bộ Ngoại giao.
28. Quản lý, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ về cải cách hành chính, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, công tác cơ yếu ngoại giao, bảo mật và an toàn thông tin trong phạm vi quản lý của Bộ Ngoại giao theo các nghị quyết, chương trình, kế hoạch đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và theo quy định của pháp luật.
29. Thực hiện các dịch vụ sự nghiệp công trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Ngoại giao theo quy định của pháp luật.
30. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao hoặc theo quy định của pháp luật.
Cơ cấu tổ chức gồm 28 đơn vị, tổ chức
Cơ cấu tổ chức của Bộ Ngoại giao gồm:
1. Vụ Châu Âu.
2. Vụ Châu Mỹ.
3. Vụ Đông Bắc Á.
4. Vụ Đông Nam Á - Nam Á - Nam Thái Bình Dương.
5. Vụ Trung Đông - Châu Phi.
6. Vụ Chính sách đối ngoại.
7. Vụ Tổng hợp kinh tế.
8. Vụ ASEAN.
9. Vụ các Tổ chức quốc tế.
10. Vụ Hợp tác kinh tế đa phương.
11. Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO.
12. Vụ Luật pháp và Điều ước quốc tế.
13. Vụ Biên Phiên dịch đối ngoại.
14. Vụ Thông tin Báo chí.
15. Vụ Tổ chức cán bộ.
16. Văn phòng Bộ.
17. Thanh tra Bộ.
18. Cục Cơ yếu - Công nghệ thông tin.
19. Cục Lãnh sự.
20. Cục Lễ tân Nhà nước.
21. Cục Ngoại vụ.
22. Cục Quản trị Tài vụ.
23. Sở Ngoại vụ Thành phố Hồ Chí Minh.
24. Ủy ban Biên giới quốc gia.
25. Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài.
26. Học viện Ngoại giao.
27. Báo Thế giới và Việt Nam.
28. Các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Các tổ chức quy định từ khoản 1 đến khoản 25 là các tổ chức giúp Bộ trưởng Bộ Ngoại giao thực hiện chức năng quản lý nhà nước; các tổ chức quy định từ khoản 26 đến khoản 27 là các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Ngoại giao.
Các tổ chức quy định tại khoản 28 là các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài được Chính phủ thành lập và do Bộ Ngoại giao trực tiếp quản lý.
Vụ Châu Âu được tổ chức 05 phòng
Theo Nghị định, Vụ Châu Âu được tổ chức 05 phòng; các Vụ: Tổ chức cán bộ, Luật pháp và Điều ước quốc tế được tổ chức 04 phòng; các Vụ: Châu Mỹ, Đông Bắc Á, Đông Nam Á - Nam Á - Nam Thái Bình Dương, Trung Đông - Châu Phi được tổ chức 03 phòng.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao trình Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Ủy ban Biên giới quốc gia, Học viện Ngoại giao; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành danh sách các đơn vị sự nghiệp công lập khác thuộc Bộ Ngoại giao.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các tổ chức thuộc bộ, trừ các tổ chức quy định từ khoản 24 đến khoản 26.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/12/2022.
Xem bản tin gốc Báo điện tử Chính phủ tại đây