Đây là một trong những mục tiêu được đề ra tại kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội bền vững trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa năm 2025.
100% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động có thu nhập thấp có nhu cầu được hỗ trợ đào tạo kỹ năng nghề phù hợp. Hình ảnh minh họa.
Theo kế hoạch, đến cuối năm 2025, tỉnh Khánh Hòa sẽ phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu: Tỷ lệ nghèo đa chiều trên địa bàn tỉnh giảm từ 1% - 1,5%; tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,41%. 100% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu được hỗ trợ kết nối, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tìm việc làm. 100% trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đi học đúng độ tuổi; 100% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động có thu nhập thấp có nhu cầu được hỗ trợ đào tạo kỹ năng nghề phù hợp. Trên 90% hộ nghèo, hộ cận nghèo sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; ít nhất 60% hộ nghèo, hộ cận nghèo sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh. 90% hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu được tiếp cận sử dụng các dịch vụ viễn thông, Internet…
Để đạt được mục tiêu trên, Khánh Hòa sẽ triển khai thực hiện 6 nhóm nhiệm vụ: Tiếp tục xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu liên kết vùng phục vụ dân sinh, sản xuất, lưu thông hàng hóa, dịch vụ đáp ứng nhu cầu của người dân, tạo điều kiện để người dân tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế... Hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế, xây dựng, phát triển các mô hình giảm nghèo, dự án giảm nghèo để tạo việc làm, sinh kế bền vững, có thu nhập tốt, nâng cao chất lượng cuộc sống và thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho người nghèo; phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc, thế mạnh của vùng, địa phương để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, thúc đầy tăng trưởng kinh tế. Hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp cho người nghèo theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ, nâng cao chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tăng cường kết nối giữa người sản xuất và các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị, ưu tiên phát triển các sản phẩm có tiềm năng, thế mạnh tại địa phương. Hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động có thu nhập thấp trên địa bàn tỉnh; nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tăng cường cung cấp thông tin công tác giảm nghèo về cơ sở, nhất là cung cấp thông tin cho người dân sinh sống trên địa bàn các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về công tác giảm nghèo đa chiều, giáo dục nghề nghiệp, việc làm nhằm khơi dậy tinh thần tự lực vươn lên thoát nghèo và huy động nguồn lực để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững… Nâng cao năng lực, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ những người làm công tác giảm nghèo để hỗ trợ người nghèo vươn lên thoát nghèo, hỗ trợ các nhóm đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương; bảo đảm đội ngũ cán bộ đủ năng lực thực hiện Chương trình đúng mục tiêu, đúng đổi tượng, hiệu quả, bền vững.
Được biết, đến cuối năm 2024, tỉnh Khánh Hòa còn 4.348 hộ nghèo, giảm 2.950 hộ so với đầu năm 2024 (đạt 185% so với kế hoạch); tỷ lệ hộ nghèo còn 1,26% (đầu năm 2024 còn 2,11%). Số hộ cận nghèo còn 8.925 hộ, giảm 3.732 hộ (đạt 219% so với kế hoạch), tỷ lệ hộ cận nghèo còn 2,59% (đầu năm 2024 còn 3,66%). Mức giảm tỷ lệ nghèo đa chiều ước giảm 1,92%. Đến khoảng cuối tháng 2-2025, 2 huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh được Thủ tướng Chính phủ công nhận thoát khỏi huyện nghèo. |