UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có văn bản chỉ đạo về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ.
Phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Ảnh minh họa.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), Tài chính, Thông tin và Truyền thông, Giao thông vận tải, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động triển khai thực hiện các ý kiến chỉ đạo của Bộ NN-PTNT theo đúng quy định; kịp thời phản ánh những khó khăn, vướng mắc về UBND tỉnh (qua Sở NN-PTNT để tổng hợp), báo cáo Bộ NN-PTNT xem xét, phối hợp xử lý. Sở NN-PTNT theo dõi, đôn đốc các đơn vị triển khai thực hiện; kịp thời xử lý các nội dung phát sinh thuộc thẩm quyền và đề xuất tham mưu những nội dung thuộc trách nhiệm UBND tỉnh trước ngày 31-12-2024.
Được biết, trong năm 2024, hầu hết các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên gia súc, gia cầm đều xảy ra (Dịch tả lợn châu Phi, Lở mồm long móng, Cúm gia cầm, Viêm da nổi cục, Dại), nhất là bệnh Dịch tả lợn châu Phi gây tổn thất lớn về kinh tế đối với người chăn nuôi lợn. Kết quả giám sát chủ động cho thấy, hiện nay, các loại mầm bệnh còn lưu hành ở nhiều địa phương với tỷ lệ tương đối cao. Do đó, nguy cơ dịch bệnh xảy ra trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 là rất cao, đặc biệt khi thời tiết thay đổi bất lợi, tạo điều kiện cho các loại mầm bệnh phát triển, lây lan và gây bệnh; việc vận chuyển, giết mổ động vật, các sản phẩm động vật gia tăng mạnh để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán và các lễ hội đầu năm 2025; tổng đàn gia súc, gia cầm sẽ tăng cao sau Tết Nguyên đán để tái đàn; việc áp dụng các biện pháp an toàn sinh học còn hạn chế ở các hộ chăn
nuôi nhỏ, lẻ… Để chủ động phòng, chống các loại dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm có khả năng xảy ra trên diện rộng trước, trong và sau Tết Nguyên đán, Bộ NN-PTNT đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở, ngành và chính quyền các cấp rà soát tổ chức thực hiện tốt công tác tiêm phòng, tiêm phòng bổ sung cho đàn vật nuôi; trong đó chú ý tiêm phòng đầy đủ đối với các bệnh Lở mồm long móng, Dịch tả lợn châu Phi, Cúm gia cầm, Dại,... tại các khu vực có ổ dịch cũ, các địa bàn có nguy cơ cao, địa phương có nguy cơ bị ảnh hưởng do rét đậm, rét hại,... Chủ động triển khai giám sát dịch bệnh trên đàn vật nuôi để phát hiện sớm, kịp thời cảnh báo, xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới phát sinh, xử lý nghiêm các trường hợp không báo cáo dịch bệnh, bán chạy, giết mổ động vật mắc bệnh, động vật nghi mắc bệnh, vứt xác động vật chết ra môi trường dẫn đến dịch bệnh lây lan rộng, gây bức xúc cho người dân và cộng đồng; báo cáo kịp thời đầy đủ về tình hình dịch bệnh từ cấp thôn/bản/ấp đến cấp xã, huyện và tỉnh theo đúng quy định hiện hành. Tăng cường công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển, kiểm soát giết mổ động vật, sản phẩm động vật, đặc biệt trong công tác kiểm dịch gia súc, gia cầm làm giống và tổ chức ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép ra, vào Việt Nam…
Xem bản tin gốc Cổng Thông tin điện tử tỉnh Khánh Hòa tại đây
Theo Cổng Thông tin điện tử tỉnh Khánh Hòa (khanhhoa.gov.vn)