UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TVV ngày 10-10-2023 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 66/NQ-CP ngày 9-5-2024 của Chính phủ, Kế hoạch số 184-KH/TU ngày 1-2-2024 của Tỉnh ủy về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.
Theo kế hoạch, mục tiêu đến năm 2030, tỉnh Khánh Hòa sẽ triển khai nhiều giải pháp nhằm phát triển đội ngũ doanh nhân có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Phấn đấu ngày càng có nhiều doanh nghiệp lớn đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tốc độ phát triển doanh nghiệp hàng năm tăng trưởng trên 10%, đến năm 2030 có khoảng 28.000 doanh nghiệp hoạt động. Tăng trưởng GRDP đạt mức 8,8%/năm; tăng trưởng năng suất lao động đạt 7,8%/năm. Khoảng 65 - 70% chủ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có trình độ đại học trở lên. Khoảng 20 - 25% số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh do phụ nữ làm chủ 30 - 35% số doanh nghiệp có giám đốc hoặc người đứng đầu doanh nghiệp là nữ.
Tốc độ phát triển doanh nghiệp hàng năm tăng trưởng trên 10%. Ảnh minh họa.
Tầm nhìn đến năm 2045: Phát triển đội ngũ doanh nhân tỉnh Khánh Hòa có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng được mục tiêu và yêu cầu của tình hình mới; tạo thu nhập cao, tăng vị thế trong khu vực, toàn quốc, một bộ phận doanh nghiệp có thương hiệu vươn tầm quốc gia. Tốc độ phát triển doanh nghiệp hằng năm tăng trưởng từ 10 - 11%; đến năm 2045 có khoảng 58.000 doanh nghiệp hoạt động.
UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương triển khai đồng bộ, hiệu quả các cơ chế, chính sách và giải pháp của Chính phủ, UBND tỉnh để hỗ trợ doanh nghiệp, đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp có tiềm lực, nhà đầu tư chiến lược vào đầu tư tại tỉnh nhằm khai thác các tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và địa phương kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục hành chính và hoạt động sản xuất, kinh doanh của thành phần kinh tế tư nhân. Cải thiện mạnh mẽ và huy động hiệu quả các nguồn lực trong công tác xúc tiến đầu tư; khai thác tiềm năng và phát huy thế mạnh cạnh tranh của tỉnh Khánh Hòa với các địa phương khác trong cả nước. Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương tham mưu UBND tỉnh tăng cường hoạt động hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa tỉnh Khánh Hòa và các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên nhằm mở ra không gian phát triển, hình thành nhiều ý tưởng đổi mới sáng tạo, phát hiện các mô hình mới có triển vọng, hiệu quả, mở ra cơ hội đầu tư cho các doanh nghiệp, doanh nhân. Tham mưu UBND tỉnh tổ chức các hội nghị gặp mặt giữa lãnh đạo UBND tỉnh với cộng đồng doanh nghiệp nhằm cung cấp thông tin các chính sách, tháo gỡ các rào cản, khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, doanh nhân; định hướng phát triển của tỉnh cho các hội, hiệp hội doanh nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương tham mưu UBND tỉnh báo cáo cấp có thẩm quyền về đánh giá công tác cải thiện, nâng cao Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Bộ Chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở và cấp tỉnh (DDCI)…
6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh cấp mới giấy chứng nhận đăng ký thành lập doanh nghiệp cho 984 doanh nghiệp, giảm 6% so với cùng kỳ năm trước, với tổng vốn đăng ký là khoảng 6.976,2 tỷ đồng, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm trước; số doanh nghiệp đã giải thể 159 doanh nghiệp, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước; số doanh nghiệp đăng ký tạm ngưng hoạt động là 1.451 doanh nghiệp, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm trước. |
|
Xem bản tin gốc Cổng Thông tin điện tử tỉnh Khánh Hòa tại đây.
Theo Cổng Thông tin điện tử tỉnh Khánh Hòa (khanhhoa.gov.vn)