Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 262/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Ảnh minh họa. Nguồn: baochinhphu.vn
Theo đó, mục đích của Kế hoạch là: Triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2050 (gọi tắt là Quy hoạch điện VIII). Xây dựng lộ trình tổ chức thực hiện có hiệu quả các đề án/dự án đáp ứng các mục tiêu đã đề ra của Quy hoạch điện VIII, đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội theo từng thời kỳ, đảm bảo điện đi trước một bước. Định hướng cho các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc phối hợp với Bộ Công thương và các đơn vị liên quan để thực hiện hiệu quả Quy hoạch điện VIII.
Về nội dung thực hiện, Kế hoạch xác định 10 nhóm nội dung chủ yếu gồm: 1- Danh mục các dự án nguồn điện quan trọng, ưu tiên đầu tư của ngành tới năm 2030; 2- Công suất nguồn điện năng lượng tái tạo của các địa phương/vùng và danh mục các dự án nguồn điện tới năm 2030; 3- Các loại hình nguồn điện khác tới năm 2030; 4- Danh mục các dự án lưới điện truyền tải và liên kết lưới điện khu vực; 5- Chương trình phát triển điện nông thôn, miền núi và hải đảo; 6- Kế hoạch phát triển hệ sinh thái công nghiệp và dịch vụ về năng lượng tái tạo; 7- Danh mục các đề án/dự án ưu tiên về hoàn thiện chính sách pháp luật và tăng cường năng lực của ngành điện; 8- Nhu cầu sử dụng đất tới năm 2030; 9- Nhu cầu vốn đầu tư tới năm 2030; 10- Giải pháp thực hiện Quy hoạch. Trong đó, về Chương trình phát triển điện nông thôn, miền núi và hải đảo, Kế hoạch xác định:
(i) Cấp điện lưới quốc gia hoặc các nguồn điện năng lượng tái tạo cho khoảng 911.400 hộ dân (trong đó, khoảng 160.000 hộ dân chưa có điện, 751.400 hộ dân cần cải tạo) của 14.676 thôn bản trên địa bàn 3.099 xã, trong đó, số xã khu vực biên giới và đặc biệt khó khăn là 1.075 xã; khu vực còn lại là 2.024 xã;
(ii) Cấp điện 2.478 trạm bơm quy mô vừa và nhỏ (13 tỉnh) khu vực đồng bằng sông Cửu Long thuộc các tỉnh, thành phố Bến Tre, Trà Vinh, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Hậu Giang, Cà Mau, kết hợp cấp điện cho nhân dân;
(iii) Cấp điện lưới quốc gia hoặc các nguồn điện năng lượng tái tạo cho các đảo còn lại: đảo Cồn Cỏ tỉnh Quảng Trị; đảo Thổ Châu, An Sơn - Nam Du tỉnh Kiên Giang; Huyện đảo Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Mời bạn đọc xem toàn văn Quyết định tại đây./.