Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa ban hành Kế hoạch số 9458/KH-UBND ngày 19/9/2023 về Chương trình phát triển hệ thống Phục hồi chức năng giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.
Hình minh họa. Nguồn: Cổng thông tin điện tử Khánh Hòa
Kế hoạch này nhằm triển khai cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu của Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày 24/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ nhằm củng cố kiện toàn hệ thống phục hồi chức năng tại các cơ sở y tế thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng người khuyết tật; tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả việc triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng người khuyết tật; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của đối tượng, thực hiện hiệu quả chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Mục tiêu của Kế hoạch là: Bảo đảm cho người khuyết tật, người có nhu cầu được tiếp cận dịch vụ phục hồi chức năng có chất lượng, toàn diện, liên tục nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống để người khuyết tật được hòa nhập và tham gia bình đẳng vào các hoạt động trong xã hội, phát huy tối đa năng lực của người khuyết tật góp phần vào sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe Nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội. Cụ thể:
* Đến năm 2030:
- Định hướng 50% bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh có khoa phục hồi chức năng độc lập; 50% các bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh thành lập khoa phục hồi chức năng lồng ghép (khoa, phòng, tổ phục hồi chức năng); 80% Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố có tổ chức phục hồi chức năng lồng ghép (khoa, phòng, tổ phục hồi chức năng).
- Nâng cao chất lượng dịch vụ phục hồi chức năng; phấn đấu trên 90% đạt mức chất lượng từ khá trở lên theo tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện theo quy định của Bộ Y tế.
- Phát triển nguồn nhân lực phục hồi chức năng đạt tỷ lệ nhân viên y tế làm việc trong lĩnh vực phục hồi chức năng tối thiểu 0,5 người/10.000 dân.
- Duy trì, củng cố và phát triển hệ thống mạng lưới cơ sở phục hồi chức năng, đảm bảo trên 90% cơ sở phục hồi chức năng (gồm: Khoa phục hồi chức năng của Bệnh viện Y dược cổ truyền và Phục hồi chức năng, Trung tâm Phục hồi chức năng và Giáo dục trẻ em khuyết tật, Bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh và Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố) được duy trì và đầu tư phát triển.
- Tăng cường phòng ngừa khuyết tật trước sinh và sơ sinh, phát hiện và can thiệp sớm, giảm tỷ lệ khuyết tật trong cộng đồng; đảm bảo trên 90% trẻ em từ sơ sinh đến 6 tuổi được sàng lọc phát hiện sớm, can thiệp sớm khuyết tật; 100% huyện, thị xã, thành phố triển khai mô hình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng.
* Tầm nhìn đến năm 2050:
- Công tác phục hồi chức năng được phát triển tại các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập với sự đa dạng về phương pháp can thiệp đảm bảo cung cấp dịch vụ phục hồi chức năng toàn diện, liên tục, chất lượng.
- Đẩy mạnh hoạt động phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng trở thành biện pháp chiến lược để giải quyết vấn đề khuyết tật trong tỉnh; tiếp tục triển khai và duy trì mô hình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng trong toàn tỉnh và được tích hợp nhiều dịch vụ khác ngoài cơ sở y tế công lập.
- Mọi người dân đều được tiếp cận với các dịch vụ sàng lọc, phát hiện sớm, can thiệp sớm khuyết tật và các kỹ thuật phục hồi chức năng thiết yếu, phù hợp theo nhu cầu.
Về nhiệm vụ và giải pháp: Hoàn thiện cơ chế chính sách, hướng dẫn chuyên môn liên quan đến công tác phục hồi chức năng; củng cố hoàn thiện hệ thống phục hồi chức năng và mạng lưới phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng; duy trì, nâng cao chất lượng chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng; đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu khoa học chuyên ngành phục hồi chức năng; đầu tư trang thiết bị và cơ sở vật chất phát triển hệ thống phục hồi chức năng.
Sở Y tế là các cơ quan chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh, Hội, đoàn thể, UBND các huyện, thành phố và các tổ chức, đơn vị, cơ sở liên quan triển khai thực hiện các nội dung của Kế hoạch; tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện Kế hoạch; là đơn vị đầu mối, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch chi tiết về nội dung hoạt động và dự toán kinh phí hàng năm để thực hiện Kế hoạch, báo cáo UBND tỉnh xem xét, phê duyệt; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố phối hợp các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch thực hiện công tác chỉ đạo tuyến, triển khai Đề án 1816 về chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng cho tuyến dưới theo chương trình được cấp có thẩm quyền phê duyệt; hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, giám sát, đánh giá, sơ kết, tổng kết việc thực hiện; tổng hợp báo cáo và kịp thời đề xuất kiến nghị điều chỉnh Kế hoạch phù hợp với tình hình thực tế, báo cáo UBND tỉnh.
Mời bạn đọc xem toàn văn Kế hoạch tại đây./.