UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành kế hoạch triển khai Chương trình phát triển hệ thống phục hồi chức năng giai đoạn 2023 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh.
Ảnh minh họa. Ảnh: baokhanhhoa.vn.
Kế hoạch đã đề ra các mục tiêu cụ thể: Giai đoạn 2023 - 2030, 50% bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh có khoa phục hồi chức năng độc lập; 50% bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh thành lập khoa phục hồi chức năng lồng ghép; 80% trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố có tổ chức phục hồi chức năng lồng ghép; phấn đấu trên 90% đạt mức chất lượng từ khá trở lên theo tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện theo quy định của Bộ Y tế; trên 90% cơ sở phục hồi chức năng được duy trì và đầu tư phát triển; trên 90% trẻ em từ sơ sinh đến 6 tuổi được sàng lọc phát hiện sớm, can thiệp sớm khuyết tật; 100% huyện, thị xã, thành phố triển khai mô hình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng… Tầm nhìn đến năm 2050, công tác phục hồi chức năng được phát triển tại các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập với sự đa dạng về phương pháp can thiệp đảm bảo cung cấp dịch vụ toàn diện, liên tục, chất lượng; mọi người dân đều được tiếp cận với các dịch vụ sàng lọc, phát hiện sớm, can thiệp sớm khuyết tật và các kỹ thuật phục hồi chức năng thiết yếu, phù hợp theo nhu cầu …
Để hoàn thành mục tiêu trên, kế hoạch đã đề ra các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm như: Hoàn thiện cơ chế chính sách, hướng dẫn chuyên môn liên quan đến công tác phục hồi chức năng; củng cố hoàn thiện hệ thống phục hồi chức năng và mạng lưới phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng; duy trì, nâng cao chất lượng chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng; đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu khoa học chuyên ngành phục hồi chức năng; đầu tư trang thiết bị và cơ sở vật chất phát triển hệ thống phục hồi chức năng…
Xem bản tin gốc Cổng Thông tin điện tử tỉnh Khánh Hòa tại đây
Theo Cổng Thông tin điện tử tỉnh Khánh Hòa (khanhhoa.gov.vn)
Tuyết Vân (St)