UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có văn bản chỉ đạo về việc triển khai các biện pháp phòng, chống hoạt động mua bán hóa đơn trên địa bàn tỉnh.
Mua, bán hóa đơn trên mạng là hành vi vi phạm pháp luật. Ảnh minh họa.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Cục Thuế tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức tuân thủ của doanh nghiệp nói riêng, người nộp thuế nói chung về nghĩa vụ chấp hành pháp luật về thuế, hóa đơn. Cảnh báo kịp thời các hành vi vi phạm, tội phạm về thuế, hóa đơn; xây dựng kế hoạch tổng thể, có tính hệ thống để phổ biến, giáo dục pháp luật về thuế, không để xảy ra các vi phạm về phát hành, sử dụng hóa đơn điện tử. Thực hiện rà soát các thông tin có nội dung rao bán hóa đơn điện tử tại các nền tảng không gian mạng (Facebook, website, Zalo...). Trên cơ sở đó, thu thập thông tin của các tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi bán trái phép hóa đơn điện tử tại địa bàn quản lý để truy xuất nguồn gốc của hóa đơn điện tử rao bán (tên, mã số thuế, địa chỉ, điện thoại...). Trường hợp phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về thuế, về hóa đơn thì kịp thời xử lý hoặc củng cố hồ sơ, chuyển cơ quan công an để xử lý theo quy định. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc phát hành, sử dụng hóa đơn điện tử đế phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, xử lý nghiêm theo quy định. Đẩy mạnh sử dụng công nghệ thông tin trong quản lý hóa đơn điện tử để tìm ra doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro cao trong sử dụng hóa đơn điện tử. Tập trung rà soát, theo dõi người nộp thuế có sử dụng số lượng lớn hóa đơn, người nộp thuế xuất hóa đơn trong một ngày (tuần, tháng) có số lượng lớn, tăng đột biến; người nộp thuế mới thành lập, kinh doanh đa ngành nghề (ăn uống, bán buôn, bán lẻ...); người nộp thuế liên tục thay đổi địa điểm kinh doanh, người đại diện; người nộp thuế sử dụng hóa đơn của doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh để yêu cầu giải trình tại cơ quan thuế hoặc đề xuất kiểm tra đột xuất tại trụ sở người nộp thuế. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với chính quyền địa phương xác minh tình trạng hoạt động của doanh nghiệp, kịp thời ban hành thông báo về việc doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đăng ký nhằm ngăn chặn việc doanh nghiệp tiếp tục sử dụng hóa đơn; gửi công văn cảnh báo doanh nghiệp rủi ro cao về thuế, hóa đơn cho các cơ quan thuế liên quan để phối hợp kiểm tra, rà soát. Tăng cường đối chiếu thông tin giữa dữ liệu người nộp thuế tại hồ sơ khai thuế và dữ liệu hóa đơn điện tử đã khởi tạo để đưa ra danh sách người nộp thuế có sự sai lệch giữa hồ sơ và dữ liệu; đảm bảo doanh nghiệp khai đúng, đủ. Đồng thời công khai, xử lý các trường hợp vi phạm, tạo tính răn đe các đối tượng đã và đang có ý định vi phạm pháp luật về hóa đơn. Chủ động phối hợp với cơ quan cảnh sát điều tra hoặc chuyển hồ sơ xử lý theo quy định đối với người nộp thuế có hành vi vi phạm về hóa đơn quy mô lớn, có dấu hiệu hình sự.
Được biết, theo quy định của pháp luật, hóa đơn giá trị gia tăng là loại hóa đơn, chứng từ quan trọng nhằm ghi nhận các thông tin hàng hóa, dịch vụ bên bán hàng cung ứng cho bên mua hàng. Hóa đơn giá trị gia tăng cũng là căn cứ để xác định số tiền thuế giá trị gia tăng doanh nghiệp phải nộp, chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp, giúp nhà nước giám sát việc thực hiện nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp, Tuy nhiên, hiện nay, với mục đích để được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào, giảm nghĩa vụ thuế, hợp thức hóa cho hàng hóa trôi nổi, nhiều doanh nghiệp đã có hành vi mua, bán hóa đơn. Qua rà soát tại một số phương tiện thông tin đại chúng, chỉ cần gõ yêu cầu tìm kiếm “mua hóa đơn” trên các công cụ tìm kiếm phổ biến, các đối tượng có nhu cầu mua hóa đơn đã có thể tiếp cận với hàng nghìn kết quả rao bán, cung cấp dịch vụ bán hóa đơn trên các trang mạng với những lời cam kết, khẳng định chất lượng hóa đơn. Hành vi trái pháp luật này không chỉ gây thất thu cho ngân sách nhà nước mà còn ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh lành mạnh…
Xem bản tin gốc Cổng Thông tin điện tử tỉnh Khánh Hòa tại đây
Theo Cổng Thông tin điện tử tỉnh Khánh Hòa (khanhhoa.gov.vn)