Thời gian qua, môi trường vịnh Nha Trang nói chung, rạn san hô khu vực biển Hòn Mun nói riêng có biểu hiện suy thoái do nhiều nguyên nhân khác nhau, cả khách quan và chủ quan. Do đó, việc giữ gìn và phục hồi rạn san hô vịnh Nha Trang, bao gồm khu vực biển Hòn Mun là một trong những nhiệm vụ quan trọng vừa cấp thiết, vừa lâu dài của tỉnh Khánh Hòa nói chung và thành phố Nha Trang nói riêng. Đặc biệt trong bối cảnh thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28 tháng 01 năm 2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Phục hồi vịnh Nha Trang và rạn san hô khu vực Hòn Mun đòi hỏi phải huy động được các nguồn lực khác nhau; sự phối hợp của các ban, ngành trong tỉnh; sự hỗ trợ của các bộ, ngành trung ương; sự chung tay của các doanh nghiệp và người dân; sự đồng hành của các tổ chức khoa học trong nước và ngoài nước.
Ngày 07/11/2022, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đinh Văn Thiệu đã ký ban hành Quyết định số 3028/QĐ-UBND về Kế hoạch tổng thể phục hồi vịnh Nha Trang đến năm 2030.
Mục tiêu của Kế hoạch là tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước đối với vịnh Nha Trang thông qua thực hiện cơ chế phối hợp liên ngành, liên vùng, liên cơ quan với sự tham gia của các doanh nghiệp và cộng đồng liên quan; Phục hồi được các hệ sinh thái rạn san hô đã bị suy thoái ở khu vực biển Hòn Mun và trong vịnh Nha Trang; Huy động được các doanh nghiệp, cộng đồng dân cư sống trong và lân cận địa bàn quản lý vịnh Nha Trang tham gia giám sát, bảo vệ và bảo tồn rạn san hô trong vịnh gắn với phát triển sinh kế bền vững và các hoạt động kinh tế thân thiện với môi trường, được kiểm soát nghiêm ngặt; Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Ban Quản lý vịnh Nha Trang; thử nghiệm mô hình quản trị công tư theo hướng xã hội hóa trong quản lý, sử dụng và bảo tồn vịnh Nha Trang; Xây dựng được cơ chế tạo nguồn tài chính lâu bền theo hướng kết hợp ngân sách nhà nước với huy động tối đa nguồn ngân sách đóng góp từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có khai thác, sử dụng vịnh Nha Trang, từ các nhà tài trợ trong nước và quốc tế cùng các nguồn xã hội hóa khác; Nâng cao nhận thức, kiến thức về cách ứng xử thân thiện với môi trường vịnh Nha Trang cho cộng đồng, doanh nghiệp, du khách và các thành phần xã hội khác có liên quan.
Nhiệm vụ và giải pháp: 1- Nâng cao nhận thức, kiến thức về cách ứng xử thân thiện với môi trường vịnh Nha Trang. 2- Tạm dừng các hoạt động có nguy cơ gây hại đến môi trường và rạn san hô tại khu vực biển Hòn Mun và vịnh Nha Trang. 3- Phục hồi rạn san hô tại khu vực Hòn Mun và vịnh Nha Trang. 4- Khảo sát, phân vùng chức năng khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang. 5- Hỗ trợ phục hồi và bảo tồn rùa biển trong khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang và vùng biển lân cận. 6- Sinh kế bền vững của cộng đồng gắn với bảo tồn rạn san hô khu vực Hòn Mun, vịnh Nha Trang. 7- Rà soát, khoanh vùng bảo vệ các khu vực biển ở Hòn Mun, Hòn Chồng - Vĩnh Hòa và Vĩnh Hải có san hô đang phục hồi, có bãi giống và bãi đẻ của thủy sản. 8- Nâng cao năng lực cho Ban Quản lý vịnh Nha Trang và Đội Công tác liên ngành trên vịnh Nha Trang. 9- Kiểm soát các nguồn xả thải vào vịnh Nha Trang. 10- Đánh giá tình trạng rạn san hô ven bờ Khánh Hòa. 11- Hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách về quản lý nhà nước đối với các hoạt động trong vịnh Nha Trang. 12- Thử nghiệm tạo rạn nhân tạo ở vịnh Nha Trang. 13- Quản lý và giảm thiểu rác thải nhựa trong khu bảo tồn biển hướng tới phát triển kinh tế biển xanh tại vịnh Nha Trang. 14- Thiết lập và thử nghiệm phương thức quản trị công tư khu vực sinh thái biển quốc tế trong vịnh Nha Trang. 15- Thực thi phương thức phối hợp liên ngành trong quản lý vịnh Nha Trang. 16- Tạo nguồn tài chính bền vững cho hoạt động quản lý vịnh Nha Trang.
Mời bạn đọc xem toàn văn Quyết định tại đây