Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 52/2022/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 45/2021/NĐ-CP về thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã.
Thông tư số 52/2022/TT-BTC tập trung hướng dẫn một số nội dung về chế độ quản lý tài chính, xử lý tổn thất tài sản, đánh giá hiệu quả hoạt động, xếp loại, xử lý tài chính khi chuyển đổi mô hình hoạt động của các quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã.
Theo hướng dẫn, khi bị tổn thất về tài sản, Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã phải xác định mức độ tổn thất, nguyên nhân, trách nhiệm và xử lý như sau:
Xác định rõ nguyên nhân khách quan, bất khả kháng (thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ, rủi ro chính trị) và nguyên nhân chủ quan.
Trường hợp do nguyên nhân chủ quan thì cá nhân, tập thể gây ra tổn thất phải bồi thường, xử lý theo quy định của pháp luật.
Quỹ hợp tác xã quy định cụ thể việc bồi thường và quyết định mức bồi thường phù hợp với quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm với quyết định của mình.
Trường hợp tài sản đã mua bảo hiểm theo pháp luật thì xử lý theo hợp đồng bảo hiểm.
Giá trị tổn thất sau khi đã bù đắp bằng tiền bồi thường của cá nhân, tập thể, tổ chức bảo hiểm, sử dụng dự phòng được trích lập trong chi phí, trường hợp thiếu được bù đắp bằng quỹ dự phòng tài chính của quỹ hợp tác xã.
Trường hợp quỹ dự phòng tài chính không đủ bù đắp thì phần thiếu được hạch toán vào chi phí trong kỳ của quỹ.
Nguyên tắc ghi nhận và quản lý chi phí
Thông tư nêu rõ, chi phí được ghi nhận vào chi phí hoạt động của Quỹ hợp tác xã phải tuân thủ nguyên tắc phù hợp giữa doanh thu và chi phí, có đủ hóa đơn, chứng từ hợp lý, hợp lệ theo quy định của pháp luật. Các khoản chi của Quỹ hợp tác xã phải được ghi nhận và hạch toán cho mục đích lập và trình bày báo cáo tài chính thực hiện theo quy định của chuẩn mực kế toán Việt Nam và các quy định của pháp luật có liên quan.
Chi phí của Quỹ là các khoản chi thực tế phát sinh trong kỳ liên quan đến hoạt động của Quỹ, bao gồm: Chi phí hoạt động nghiệp vụ; chi phí tài chính; chi phí quản lý; chi trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho, dự phòng nợ phải thu khó đòi, dự phòng tổn thất tài sản, đầu tư tài chính và các khoản dự phòng…
Các khoản chi không được hạch toán vào chi phí gồm: Các khoản thiệt hại đã được Nhà nước hỗ trợ hoặc cơ quan bảo hiểm, bên gây thiệt hại bồi thường; các khoản chi phạt thuộc trách nhiệm cá nhân do vi phạm hành chính, vi phạm môi trường, phạt nợ vay quá hạn do nguyên nhân chủ quan, phạt vi phạm chế độ tài chính; các khoản chi không có hóa đơn, chứng từ hợp lý, hợp lệ theo quy định của pháp luật; các khoản chi thuộc nguồn kinh phí khác đài thọ.
Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 1/10/2022.
Xem bản tin gốc Báo Chính phủ tại đây