Đây là ý kiến chỉ đạo của ông Đinh Văn Thiệu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại cuộc họp về tình hình thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2022, diễn ra ngày 11-8.
Tại cuộc họp, sau khi nghe báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2022 và kiến nghị của các sở, ngành, địa phương, ông Đinh Văn Thiệu đề nghị các ban quản lý bảo vệ rừng quản lý thật chặt diện tích rừng đang được giao, không để xảy ra thêm trường hợp lấn chiếm rừng mới; tập trung xử lý dứt điểm các trường hợp lấn chiếm rừng; chủ động xác định phần diện tích thuộc phạm vi quản lý để lập hồ sơ quản lý. Lực lượng kiểm lâm ở các địa phương cần tăng cường hỗ trợ cho các chủ rừng trong công tác tuần tra, kiểm soát, bảo vệ rừng, tập trung xử lý dứt điểm các trường hợp khai thác, phá rừng trái pháp luật để làm gương cho các đối tượng khác. Triển khai hiệu quả các phương án phòng, chống cháy rừng, không để xảy ra vụ cháy rừng trên địa bàn quản lý. Bên cạnh đó, cần tiếp tục nghiên cứu phương án trồng rừng, chuyển giao rừng cho các địa phương khác nếu không có phương án trồng rừng, không để đất trống; phương án liên doanh, liên kết, khoán rừng cho các địa phương… theo đúng quy định. Rà soát lại quỹ đất và thực hiện giao đất sản xuất cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu xây dựng hướng dẫn về cho thuê môi trường rừng để phục vụ phát triển kinh tế, nhất là ở 2 huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh…
Xử lý dứt điểm các trường hợp lấn chiếm rừng và đất lâm nghiệp. Ảnh minh họa. Ảnh: Lê Xưa.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 6 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh đã trồng 15,15 ha rừng trồng; chuẩn bị 20.000 cây giống lâm nghiệp; khai thác 155,11 ha rừng trồng sản xuất với sản lượng 8.078,77m3, khai thác củi là 395,64 ster, khai thác tận dụng, tận thu từ rừng tự nhiên là 667,48m3. Bên cạnh đó, tình trạng phá rừng trái pháp luật, khai thác và vận chuyển gỗ trái phép vẫn còn diễn ra phức tạp, nhất là tình trạng phá rừng, lấn chiếm rừng và đất lâm nghiệp để lấy đất sản xuất trên địa bàn các huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh có xu hướng gia tăng. Toàn tỉnh đã xảy ra 23 vụ phá rừng trái pháp luật với tổng diện tích rừng thiệt hại 20,264 ha, 2 vụ khai thác rừng trái pháp luật với tổng khối lượng gỗ bị khai thác 11,866m3. Hầu hết các vụ việc vi phạm đều xảy ra trên diện tích rừng do các đơn vị chủ rừng nhà nước quản lý: Công ty TNHH Một thành viên Lâm sản Khánh Hòa, 2 Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc và Nam Khánh Hòa. Một số tồn tại, khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng hiện nay: Việc quản lý diện tích chưa có rừng quy hoạch rừng sản xuất của các ban quản lý rừng, các công ty lâm nghiệp chưa mang lại hiệu quả thiết thực. Hiện nay, một số đơn vị chủ rừng chưa thực hiện hết quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của đơn vị chủ rừng theo quy định tại Luật Lâm nghiệp, Nghị định số 01/2019/NĐ-CP ngày 1-1-2019 của Chính phủ. Khó khăn trong công tác bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm bị tạm giữ, tịch thu…
Xem bản tin gốc của Cổng Thông tin điện tử tỉnh Khánh Hòa tại đây