Đây là một trong những mục tiêu được đề ra tại kế hoạch hành động khắc phục hậu quả chất độc hóa học/dioxin sau chiến tranh ở Việt Nam trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021 - 2030.
Xử lý triệt để các khu vực bị ô nhiễm chất độc hóa học/dioxin sau chiến tranh. Ảnh minh họa. Ảnh: baochinhphu.vn.
Theo đó, giai đoạn 2021 - 2030, tỉnh Khánh Hòa phấn đấu hoàn thành các mục tiêu: Xử lý triệt để 100% các điểm nóng và các khu vực bị ô nhiễm chất độc hóa học/dioxin sau chiến tranh trên địa bàn tỉnh. Đến năm 2025, kiểm soát được trên 85% nguy cơ phơi nhiễm chất độc hóa học/dioxin từ các điểm nóng, khu vực ô nhiễm; đến năm 2030 đạt 100% nhằm không làm gia tăng nạn nhân ở các khu vực này. Đến năm 2025, xác định được trên 90% nạn nhân; đến năm 2030 hoàn thành việc xác định nạn nhân qua các thế hệ, đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định; các nạn nhân được hưởng chế độ, chính sách của nhà nước để cải thiện chất lượng cuộc sống, tạo điều kiện thuận lợi về việc làm phù hợp, vượt qua khó khăn, hòa nhập cộng đồng. Đảm bảo 100% phụ nữ có thai tại các vùng ô nhiễm nặng; 100% nạn nhân được quản lý thai nghén, được tư vấn sinh sản nhằm giảm nguy cơ gia tăng nạn nhân ở các thế hệ tiếp theo…
Để hoàn thành các mục tiêu trên, tỉnh Khánh Hòa sẽ triển khai thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp: Rà soát, xây dựng và hoàn thiện văn bản pháp luật, quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn về việc khắc phục hậu quả chất độc hóa học/dioxin; đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành để thúc đẩy mạnh mẽ công tác khắc phục hậu quả chất độc hóa học/dioxin. Tổ chức thực hiện các biện pháp phù hợp, hiệu quả để kiểm soát các nguy cơ phơi nhiễm chất độc hóa học/dioxin đối với con người, môi trường; thường xuyên tổ chức thực hiện tốt các chế độ, chính sách của nhà nước kết hợp với các chương trình, dự án, đề án từ nguồn vốn huy động của các tổ chức, cá nhân trong nước, quốc tế, bảo đảm tất cả các nạn nhân được cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, vượt qua khó khăn, được tạo điều kiện thuận lợi về việc làm phù hợp, hòa nhập cộng đồng, vươn lên trong cuộc sống; tiếp tục tăng cường hợp tác quốc tế để thu hút sự quan tâm, ủng hộ của các nước, các tổ chức quốc tế trong việc bảo đảm nguồn lực tài chính, trang thiết bị, công nghệ, đào tạo cán bộ, chia sẻ kinh nghiệm nhằm đẩy nhanh công tác khắc phục hậu quả chất độc hóa học/dioxin…
Theo Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh, trên địa bàn Khánh Hòa hiện có hơn 1.300 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và có 219 con của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học được được hưởng chính sách; có gần 8.000 công dân bị nhiễm chất độc hóa học được hưởng chính sách bảo trợ xã hội. Toàn tỉnh có một số địa điểm còn tồn lưu trong đất các chất độc hóa học/dioxin sau chiến tranh (hàm lượng không cao) ở khu vực miền núi, khu vực gần sân bay Nha Trang, sân bay Cam Ranh…
Xem bản tin gốc của Cổng Thông tin điện tử tỉnh Khánh Hòa tại đây