(Chinhphu.vn) - Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam vừa ký Quyết định 654/QĐ-TTg ngày 30/5/2022 phê duyệt Chiến lược phát triển bưu chính đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 với quan điểm: Bảo đảm mọi người dân trên cả nước đều có quyền được tiếp cận và sử dụng dịch vụ bưu chính phổ cập thường xuyên, ổn định, với chất lượng và giá cước hợp lý.
Phấn đấu đến năm 2025, có 27.000 điểm phục vụ bưu chính.
Chiến lược đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% hộ gia đình có Địa chỉ số; phấn đấu 100% hộ sản xuất nông nghiệp tham gia giao dịch trên các sàn thương mại điện tử do doanh nghiệp bưu chính Việt Nam sở hữu; phấn đấu 100% sản phẩm giao dịch trên sàn thương mại điện tử do doanh nghiệp bưu chính Việt Nam sở hữu phải được gắn thương hiệu, có truy xuất nguồn gốc.
Phấn đấu 100% điểm phục vụ bưu chính có khả năng phục vụ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Việt Nam thuộc nhóm 40 nước dẫn đầu theo đánh giá xếp hạng của Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU)...
Khuyến khích các thành phần kinh tế sử dụng chung hạ tầng bưu chính
Một trong các nhiệm vụ và giải pháp của Chiến lược là phát triển hạ tầng bưu chính. Theo đó, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng, vận hành và chia sẻ, sử dụng chung hạ tầng bưu chính.
Về hạ tầng mạng lưới, xây dựng các Trung tâm bưu chính vùng, khu vực có tích hợp các giải pháp công nghệ hiện đại để tối ưu hóa hoạt động giao nhận vận chuyển cho hoạt động thương mại điện tử, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia về logistics; phát triển và duy trì hoạt động ổn định mạng điểm phục vụ bưu chính rộng khắp cả nước; phát triển các bưu cục thông minh cung cấp dịch vụ bưu chính số.
Khuyến khích doanh nghiệp bưu chính sở hữu phương tiện vận tải hàng không; đẩy mạnh khai thác mạng bưu chính công cộng để người dân, nhất là các đối tượng yếu thế trong xã hội được tiếp cận các dịch vụ bưu chính, dịch vụ số của Chính phủ.
Về hạ tầng số, hoàn thiện nền tảng Địa chỉ số Việt Nam gắn với bản đồ số quốc gia phục vụ cho phát triển thương mại điện tử và kinh tế số; hình thành cổng dữ liệu quốc gia về bưu chính; thu thập dữ liệu từ nhiều nguồn, hướng tới hình thành hệ sinh thái dữ liệu mở.
Phát triển các sàn thương mại điện tử của doanh nghiệp bưu chính Việt Nam để các hộ sản xuất nông nghiệp và người dân có thể giao dịch mua bán sản phẩm, hàng hóa trên môi trường số.
Xây dựng các nền tảng quản lý, vận hành kho bãi, chuyển phát... kết nối giữa chủ hàng, các doanh nghiệp bưu chính và khách hàng.
Khuyến khích, tạo điều kiện để các doanh nghiệp bưu chính đầu tư, phát triển hạ tầng số có ứng dụng các công nghệ hiện đại của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Về hạ tầng dữ liệu, xây dựng và phát triển các cơ sở dữ liệu chuyên ngành trong lĩnh vực bưu chính; ứng dụng các công nghệ dữ liệu lớn (Big Data) trong việc xây dựng, lưu trữ dữ liệu bưu chính, cho phép sử dụng chung.
Tập trung mở rộng phạm vi dịch vụ bưu chính phổ cập
Nhiệm vụ và giải pháp khác của Chiến lược là phát triển dịch vụ bưu chính. Theo đó, phát triển thị trường bưu chính theo hướng bảo đảm cung cấp công bằng, ổn định, có chất lượng các dịch vụ bưu chính công ích tới mọi người dân; mở rộng hệ sinh thái, mở rộng không gian hoạt động mới, thúc đẩy phát triển kinh tế số và tham gia góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Trong đó, mở rộng phạm vi dịch vụ bưu chính công ích, trong đó tập trung mở rộng phạm vi dịch vụ bưu chính phổ cập; bảo đảm cung cấp dịch vụ bưu chính phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước đáp ứng các yêu cầu về chất lượng và thời gian (liên tục 24 giờ trong một ngày và 7 ngày trong một tuần, kể cả ngày nghỉ lễ, Tết).
Với nhóm dịch vụ bưu chính cạnh tranh (ngoài phạm vi công ích), phát triển các dịch vụ hoàn tất đơn hàng cho thương mại điện tử và giao hàng chặng cuối cho logistics, chuỗi cung ứng.
Sử dụng nền tảng tích hợp các dịch vụ bưu chính truyền thống đáp ứng tối đa các nhu cầu của khách hàng trong kỷ nguyên số nhằm tăng doanh thu, nâng cao chất lượng hiệu quả; tự động hoá, thông minh hóa, tối ưu hoá các quy trình xử lý công việc, mở rộng thị trường và tăng doanh thu lĩnh vực bưu chính.
Xem bản tin gốc Báo Chính phủ tại đây