Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa ban hành Kế hoạch số 1840/KH-UBND ngày 17 tháng 02 năm 2025 về hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa năm 2025.
Kế hoạch này nhằm tăng cường công tác tuyên truyền về tác hại của rượu bia; thực thi nghiêm các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và các văn bản hướng dẫn thực hiện. Nâng cao nhận thức, định hướng hành vi, thay đổi thói quen về việc sử dụng rượu, bia ở mức có hại đối với sức khỏe con người, gia đình, cộng đồng, an toàn giao thông, trật tự an toàn xã hội, kinh tế và các vấn đề xã hội khác.
Đạt được mục đích trên, Kế hoạch đề ra chỉ tiêu:
a) 100% các sở, ban, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia;
b) 95% người dân trưởng thành được truyền thông về tác hại của rượu, bia và các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia;
c) 100% người điều khiển phương tiện giao thông được truyền thông, phổ biến quy định của pháp luật về việc không uống rượu, bia khi điều khiển phương tiện giao thông;
d) 100% cơ sở giáo dục thực hiện truyền thông phòng, chống tác hại của rượu, bia phù hợp với lứa tuổi của học sinh, sinh viên.
e) 95% cơ sở kinh doanh rượu, bia; 90% hộ gia đình, cá nhân sản xuất rượu thủ công được truyền thông, hướng dẫn các quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia và các quy định pháp luật khác có liên quan;
f) 90% cơ quan báo chí của tỉnh và hệ thống đài truyền thanh cấp xã đăng tải, phát thanh tin bài về phòng, chống tác hại của rượu, bia hàng tháng; 90% phóng viên, người tham gia hoạt động thông tin cơ sở được tập huấn, cung cấp thông tin về phòng, chống tác hại của rượu, bia;
g) Tổ chức sàng lọc, phát hiện sớm yếu tố nguy cơ đối với sức khỏe của người uống rượu, bia và can thiệp giảm tác hại cho người có yếu tố nguy cơ sức khỏe do sử dụng rượu, bia.
Giải pháp giảm tác hại của rượu, bia:
1- Tăng cường công tác truyền thông, tư vấn và phổ biến các thông tin, kiến thức, pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia;
2- Tăng cường kiểm soát chặt chẽ quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại và sử dụng rượu, bia và các loại đồ uổng có cồn khác; kiếm soát việc ghi nhãn rượu, bia và các loại đồ uống có cồn khác sản xuất, nhập khẩu tiêu thụ tại Việt Nam; biện pháp kiểm soát, kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm đối với rượu, bia và các loại đồ uống có cồn khác sản xuất trong nước, nhập khẩu, nhập lậu, hàng giả và không bảo đảm chất lượng; kiểm soát hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu, bia và các loại đồ uống có cồn khác.
3- Hướng dẫn, tổ chức triển khai công tác khám tư vấn, sàng lọc và can thiệp giảm tác hại cho người có nguy cơ sức khỏe do uống rượu bia; phòng ngừa tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia; phòng ngừa, ngăn chặn việc tiếp cận, sử dụng rượu, bia và các loại đồ uống có cồn khác của người dưới 18 tuổi; cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người làm việc trong các lực lượng vũ trang không sử dụng rượu, bia và các loại đồ uổng có cồn trong giờ làm việc, tại nơi làm việc, trong bừa ăn giữa hai buổi trong ngày làm việc và ngày trực.