Nguồn kinh phí thực hiện mức lương cơ sở và chế độ tiền thưởng theo Nghị định 73/2024/NĐ-CP đã được Bộ Tài chính hướng dẫn tại Thông tư 62/2024/TT-BTC ngày 20/8/2024 hướng dẫn xác định nhu cầu, nguồn và phương thức chi thực hiện mức lương cơ sở và chế độ tiền thưởng theo Nghị định 73/2024/NĐ-CP và điều chỉnh trợ cấp hằng tháng đối với cán bộ xã đã nghỉ việc theo Nghị định 75/2024/NĐ-CP.
Hình minh họa. Nguồn hình ảnh: Báo Chính phủ.
Theo đó, đối tượng áp dụng là các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân có liên quan.
* Về xác định đối tượng cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người làm việc được áp dụng mức lương cơ sở và chế độ tiền thưởng bao gồm tổng số cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước để xác định nhu cầu kinh phí thực hiện mức lương cơ sở và chế độ tiền thưởng theo Nghị định 73/2024/NĐ-CP trong năm 2024 là số thực có mặt tại thời điểm ngày 1/7/2024 trong phạm vi số biên chế được cấp có thẩm quyền giao (hoặc phê duyệt). Không tổng hợp số đối tượng vượt chỉ tiêu biên chế được cấp có thẩm quyền giao (hoặc phê duyệt) năm 2024; các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm xử lý số biên chế dôi dư theo quy định của pháp luật. Không tổng hợp số đối tượng là người làm việc theo chế độ hợp đồng theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 2 Nghị định 73/2024/NĐ-CP; các cơ quan, đơn vị bố trí từ dự toán ngân sách nhà nước được giao và các nguồn thu hợp pháp khác để chi trả cho các đối tượng này theo quy định tại Điều 12 Nghị định 111/2022/NĐ-CP về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập…
* Về xác định nguồn kinh phí thực hiện mức lương cơ sở và chế độ tiền thưởng thực hiện như sau:
Đối với các bộ, cơ quan Trung ương: nguồn thực hiện cải cách tiền lương đến hết năm 2023 chưa sử dụng hết chuyển sang năm 2024 (nếu có); sử dụng tối thiểu 40% số thu được để lại theo chế độ năm 2024 sau khi trừ các chi phí liên quan trực tiếp đến hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí. Riêng số thu từ việc cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh, y tế dự phòng và dịch vụ y tế khác được sử dụng tối thiểu 35% sau khi trừ các chi phí liên quan. Ngoài ra còn có sử dụng nguồn tiết kiệm 10% chi thường xuyên (không kể các khoản lương, phụ cấp, các khoản có tính chất lương và chi cho con người theo chế độ) dự toán năm 2024 tăng thêm so với dự toán năm 2023…
Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: nguồn tiết kiệm 10% chi thường xuyên; sử dụng 70% tăng thu ngân sách địa phương thực hiện năm 2023 và 50% tăng thu ngân sách địa phương dự toán năm 2024 so với dự toán năm 2023; sử dụng 50% ngân sách nhà nước giảm chi hỗ trợ hoạt động thường xuyên trong lĩnh vực hành chính do tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy… Ngoài ra, được sử dụng tối thiểu 40% số thu được để lại theo chế độ năm 2024 sau khi trừ các chi phí liên quan; nguồn cải cách tiền lương đến hết năm 2023 chưa sử dụng hết….
Tuyết Vân