UBND tỉnh vừa có quyết định phê duyệt Đề án phát triển Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn Khánh Hòa giai đoạn 2024 – 2030.
Giai đoạn 2024 - 2030 sẽ thành lập thêm 6 văn phòng Thừa phát lại. Ảnh minh họa.
Theo đề án, việc phát triển tổ chức Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh được thực hiện theo lộ trình sau: Giai đoạn 1 (từ năm 2024 đến năm 2027): Thực hiện tuyên truyền, phổ biến để tổ chức, cá nhân hiểu về hoạt động của Thừa phát lại, thấy được vai trò và sự cần thiết của tổ chức này trong thực tiễn đời sống xã hội. Giai đoạn này, dự kiến thành lập thêm 3 văn phòng Thừa phát lại tại TP. Nha Trang, thị xã Ninh Hòa và huyện Vạn Ninh. Giai đoạn 2 (từ năm 2028 đến năm 2030), tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động Thừa phát lại; tiếp tục duy trì, ổn định các văn phòng Thừa phát lại hiện có; phát triển thêm 3 văn phòng Thừa phát lại tại TP. Cam Ranh, huyện Diên Khánh và Cam Lâm.
Được biết, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có 2 văn phòng Thừa phát lại với 6 thừa phát lại đang hành nghề. Về số lượng lập, đăng ký vi bằng: Năm 2019, thực hiện lập và đăng ký 394; năm 2023, thực hiện lập và đăng ký 720 vi bằng. Trong đó, đã có những vi bằng liên quan đến các vụ án hôn nhân gia đình, tranh chấp dân sự liên quan đến tài sản, tranh chấp về thừa kế, ... được Tòa án nhân dân tỉnh, tòa án nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh chấp nhận và sử dụng như là một nguồn chứng cứ quan trọng, giúp giải quyết các vụ án một cách độc lập, khách quan; đồng thời giúp bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, từ đó tạo niềm tin tích cực vào pháp luật cũng như giúp ích hoạt động xét xử của tòa án các cấp, tạo lập nguồn chứng cứ có giá trị cao. Về số lượng văn bản đã tống đạt cho tòa án, cơ quan thi hành án dân sự: Năm 2019, tống đạt 6.920 văn bản; năm 2023, tống đạt 5.225 văn bản...
Xem bản tin gốc Cổng Thông tin điện tử tỉnh Khánh Hòa tại đây
Theo Cổng Thông tin điện tử tỉnh Khánh Hòa (khanhhoa.gov.vn)
Nguyễn Phú (St)