Ngày 20/6/2024, Bộ Tài chính đã có Thông tư 42/2024/TT-BTC ban hành Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về Thẩm định giá bất động sản, có hiệu lực từ 05/8/2024.
Hình minh họa. Nguồn hình ảnh: Báo Chính phủ.
Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam quy định và hướng dẫn về thẩm định giá bất động sản khi thẩm định giá theo quy định của pháp luật về giá, không áp dụng đối với trường hợp định giá đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
Đối tượng áp dụng chuẩn mực gồm: thẩm định viên về giá, doanh nghiệp thẩm định giá thực hiện hoạt động cung cấp dịch vụ thẩm định giá theo quy định của pháp luật về giá; tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động thẩm định giá của Nhà nước theo quy định của pháp luật về giá; tổ chức, cá nhân yêu cầu thẩm định giá, bên thứ ba sử dụng báo cáo thẩm định giá theo hợp đồng thẩm định giá (nếu có).
Theo Thông tư, các cách tiếp cận áp dụng trong thẩm định giá bất động sản bao gồm cách tiếp cận từ thị trường, cách tiếp cận từ chi phí và cách tiếp cận từ thu nhập theo quy định tại Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam hoặc sử dụng kết hợp các cách tiếp cận.
Phương pháp thẩm định giá sử dụng trong thẩm định giá bất động sản bao gồm các phương pháp thẩm định giá thuộc các cách tiếp cận hoặc kết hợp các cách tiếp cận. Phương pháp thặng dư là phương pháp thẩm định giá được xây dựng dựa trên cơ sở kết hợp cách tiếp cận từ thị trường, cách tiếp cận từ chi phí và cách tiếp cận từ thu nhập.
Căn cứ vào đặc điểm của bất động sản cần thẩm định giá, mục đích thẩm định giá, thời điểm thẩm định giá, cơ sở giá trị thẩm định giá, các thông tin và số liệu về bất động sản cần thẩm định giá có thể thu thập được để lựa chọn cách tiếp cận và phương pháp thẩm định giá phù hợp.
Vì vậy, khi áp dụng phương pháp thặng dư để thẩm định giá xác định giá trị của bất động sản cần xác định các nhóm yếu tố chủ yếu sau: việc sử dụng tốt nhất và có hiệu quả nhất của bất động sản; giai đoạn dự báo dòng tiền trong tương lai; tổng doanh thu phát triển; tổng chi phí phát triển; tỷ suất chiết khấu.
Tuyết Vân