Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Công Thương tỉnh Khánh Hòa được Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa quy định tại Quyết định số 33/2023/QĐ-UBND.
Sở Công Thương là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý nhà nước về công thương, bao gồm các ngành và lĩnh vực: cơ khí; luyện kim; điện; năng lượng mới; năng lượng tái tạo; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; dầu khí; hóa chất; vật liệu nổ công nghiệp; công nghiệp khai thác mỏ và chế biến khoáng sản (trừ vật liệu xây dựng thông thường và sản xuất xi măng); công nghiệp tiêu dùng; công nghiệp thực phẩm; công nghiệp hỗ trợ; công nghiệp môi trường; công nghiệp chế biến khác; tiểu thủ công nghiệp; khuyến công; hoạt động thương mại và lưu thông hàng hóa trên địa bàn; sản xuất và tiêu dùng bền vững; xuất khẩu, nhập khẩu; thương mại biên giới; dịch vụ logistics; xúc tiến thương mại; thương mại điện tử; dịch vụ thương mại; quản lý cạnh tranh; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp; phòng vệ thương mại; hội nhập kinh tế quốc tế; quản lý cụm công nghiệp trên địa bàn (nằm ngoài khu vực của Ban Quản lý Khu Kinh tế Vân Phong quản lý).
Sở Công Thương có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng; chấp hành sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, biên chế và công tác của Ủy ban nhân dân tỉnh, đồng thời chấp hành sự chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ Công Thương.
Nhiệm vụ của Sở Công Thương:
- Trình Ủy ban nhân dân tỉnh dự thảo Quyết định, Chỉ thị liên quan đến ngành, lĩnh vực; chương trình, dự án, đề án về công thương thuộc phạm vi quản lý của Sở và các văn bản khác theo phân công của Ủy ban nhân dân tỉnh.
- Tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và các văn bản khác trong lĩnh vực công thương được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc phê duyệt; thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến, giáo dục, theo dõi thi hành pháp luật về các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước được giao.
- Tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm về giám định, đăng ký, cấp giấy phép, văn bằng, chứng chỉ thuộc phạm vi trách nhiệm quản lý của Sở theo quy định của pháp luật và theo phân công hoặc ủy quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh.
- Tổ chức nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật và công nghệ; xây dựng hệ thống thông tin, lưu trữ phục vụ công tác quản lý nhà nước về công thương.
- Kiểm tra, thanh tra và xử lý các hành vi vi phạm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thi hành pháp luật thuộc phạm vi quản lý của Sở; tiếp công dân, xử lý thư đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng, lãng phí theo quy định pháp luật hoặc theo sự phân cấp, ủy quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh.
- Thực hiện các nhiệm vụ khác đối với các hoạt động cung ứng dịch vụ sự nghiệp công ngành công thương theo quy định của pháp luật.
Giám đốc Sở Công Thương có trách nhiệm:
- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập, tổ chức lại, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Công Thương theo quy định pháp luật, bảo đảm phù hợp với quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập của ngành công thương được cấp có thẩm quyền phê duyệt, hướng dẫn của Bộ Công Thương, Bộ Nội vụ.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ và các sở, ngành liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp huyện quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và biên chế của Phòng Kinh tế hoặc Phòng Kinh tế và Hạ tầng cấp huyện theo quy định của pháp luật, bảo đảm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
- Xây dựng và ban hành quy chế làm việc của cơ quan Sở; chỉ đạo việc xây dựng quy chế tổ chức và hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở và thực hiện nhiệm vụ khác theo quy định.
Mời bạn đọc xem toàn văn Quyết định tại đây./.