Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa ban hành Kế hoạch số 9403/KH-UBND ngày 18/9/2023 về thực hiện Chương trình hành động số 57-CTr/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung uơng Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nuớc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (gọi tắt là Chương trình hành động số 57-CTr/TU).
Về mục đích, yêu cầu khi triển khai Kế hoạch này là: Quán triệt, triển khai thực hiện Chương trình hành động số 57-CTr/TU đến các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và nhân dân nhằm nâng cao nhận thức và quyết tâm hành động thống nhất của các cấp, các ngành trong việc xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách phát triển công nghiệp của tỉnh; cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình hành động số 57-CTr/TU gắn với phân công nhiệm vụ cụ thể, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc triển khai thực hiện Chương trình hành động số 57-CTr/TU góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.
Nhằm đạt được mục đích đề ra, Kế hoạch đặt ra các mục tiêu đó là: Để xây dựng tỉnh Khánh Hòa trở thành tỉnh phát triển toàn diện, ổn định, bền vững và tăng trưởng cao cần phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo để đẩy mạnh phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại hóa, thân thiện với môi trường. Phấn đấu đến năm 2030, Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; thể hiện rõ vai trò một cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước về kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực và chăm sóc sức khỏe chất lượng cao. Nhân dân được hưởng thụ mức sống cao, có cuộc sống an toàn, hạnh phúc. Môi trường sinh thái và cảnh quan thiên nhiên được bảo vệ; có năng lực ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu. Quốc phòng, an ninh được giữ vững; thực hiện tốt nhiệm vụ chiến lược bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Cụ thể, 1) Đến năm 2030: Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân thời kỳ 2021-2030 đạt 8,3%/năm; trong đó: Nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 2,4%/năm, công nghiệp - xây dựng tăng 10%/năm (riêng công nghiệp tăng trên 7,5%/năm); dịch vụ tăng 8,7%/năm; phấn đấu tỷ lệ lấp đầy đạt bình quân 70% các khu, cụm công nghiệp đã được thành lập; 100% khu công nghiệp, cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn; 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường; tăng trưởng năng suất lao động bình quân 7,0%/năm thời kỳ 2021-2030; kinh tế số chiếm 30% GRDP vào năm 2030; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20% vào năm 2030. Đến năm 2030, 100% doanh nghiệp nhà nước thuộc tỉnh và trên 50% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hoàn thành chuyển dịch lên nền tảng số; tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội dưới 20%; tỷ lệ lao động nông nghiệp được đào tạo đạt trên 70% vào năm 2030. Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp đạt 77,97% vào năm 2025 và 81,91% năm 2030; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 85% vào năm 2025 và 90% năm 2030; tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ tương ứng là 31% và 40%; tỉnh Khánh Hòa được cấp có thẩm quyền công nhận đạt tiêu chí đô thị loại I.
2) Tầm nhìn đến năm 2045: Khánh Hòa là đô thị thông minh, bền vững, bản sắc, ngang tầm khu vực Châu Á; là một trong những đô thị ven biển thu hút khách du lịch và là thành phố đáng sống, nơi nhân dân có mức sống cao. Hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Các hoạt động kinh tế, xã hội và quản trị của chính quyền vận hành chủ yếu theo phương thức của nền kinh tế số, xã hội số; các ngành sản xuất, dịch vụ phát triển theo phương thức thông minh và các mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; là địa phương đi đầu trong việc thực hiện mục tiêu đưa phát thải khí nhà kính về mức không; quốc phòng - an ninh, chủ quyền biển, đảo được giữ vững, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và cuộc sống bình yên của Nhân dân; là hình mẫu của sự gắn kết giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Về nhiệm vụ và giải pháp:
- Đổi mới tư duy và hành động quyết liệt, tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa;
- Tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước;
- Xây dụng nền công nghiệp tiên tiến, hiện đại; nâng cao năng lực ngành xây dựng;
- Đẩy nhanh công nghiêp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn; cơ cấu lại ngành dịch vụ dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo; phát triển kinh tế biển;
- Phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá;
- Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thúc đẩy đô thị hoá nhanh và bền vững, gắn kết chặt chẽ và tạo động lực cho công nghiệp hoá, hiện đại hoá;
- Phát triển các thành phần kinh tế nhằm thúc đẩy công nghiệp hoá, hiện đại hoá; Đổi mới chính sách tài chính, tín dụng thúc đẩy công nghiệp hoá, hiện đại hoá nhanh, bền vững;
- Quản lý, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả đi đôi với bảo vệ và phát triển thị trường trong nước;
- Phát huy giá trị văn hóa, bản lĩnh, trí tuệ con người Việt Nam, xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh; đội ngũ trí thức và doanh nhân xung kích, đi đầu trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa; bảo đảm tốt an sinh xã hội;
Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao và các nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh tại Kế hoạch này để chủ động, tổ chức triển khai, thực hiện và báo cáo gửi về sở Công thương tổng hợp để trình UBND tỉnh.
Mời bạn đọc xem toàn văn Kế hoạch tại đây./.