Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nhằm tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, tăng cường thu hút và nâng cao chất lượng, hiệu quả dòng vốn đầu tư nước ngoài phục vụ công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn mới; ngày 24 tháng 5 năm 2023 Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 14/CT-TTg về một số nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư nước ngoài trong giai đoạn mới.
Theo đó các bộ, ngành, địa phương khẩn trương tổ chức triển khai hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 27 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị và Quyết định số 308/QĐ-TTg ngày 28 tháng 3 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 - 2030.
Đồng thời chuẩn bị các điều kiện tạo thuận lợi cho thu hút đầu tư và sản xuất kinh doanh. Các Bộ, ngành khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các quy định của pháp luật chuyên ngành, theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, xác định rõ trách nhiệm giữa Chính phủ với các bộ, ngành, giữa Chính phủ, các bộ, ngành với chính quyền địa phương, bảo đảm phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 04/NQ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước và bảo đảm khả thi, phù hợp với năng lực thực hiện của cơ quan được phân cấp; kịp thời tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư - kinh doanh. Kiên quyết cắt bỏ thủ tục hành chính không cần thiết, làm tăng chi phí tuân thủ.
Thủ tướng giao một số nhiệm vụ cho Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cụ thể:
Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng, ban hành các tiêu chí, điều kiện về suất đầu tư trên một diện tích đất và tiêu chí về số lao động sử dụng theo quy định tại Luật Đầu tư và Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư, làm cơ sở cho việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và theo dõi, kiểm tra, giám sát.
Chủ động tiếp cận, nắm bắt vướng mắc, khó khăn của các nhà đầu tư hiện hữu để xác định những khó khăn hiện nay, đề xuất hoàn thiện chính sách, pháp luật. Khẩn trương xử lý dứt điểm các vướng mắc của doanh nghiệp do khâu thực thi.
Đối với những dự án quan trọng, có tính lan tỏa, phối hợp các Bộ ngành xây dựng phương án ưu đãi, hỗ trợ để trao đổi với nhà đầu tư, bảo đảm phù hợp quy định pháp luật hiện hành và tính cạnh tranh so với các quốc gia khác.
Rà soát, xây dựng, điều chỉnh định hướng thu hút đầu tư vào địa bàn phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 của địa phương.
Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, chủ động xây dựng và triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư phù hợp, hiệu quả với tình hình mới.
Định hình không gian sản xuất công nghiệp và các lĩnh vực liên quan đến định hướng của nhà đầu tư, hỗ trợ các địa phương có sự liên kết để giúp cho các dự án đầu tư có hiệu quả.
Quy hoạch các vùng sản xuất công nghiệp theo hướng phát triển bền vững bảo vệ môi trường, gắn khu công nghiệp liên kết với khu đô thị, khu nhà ở chuyên gia và các điều kiện môi trường sống an toàn, lành mạnh. Hình thành các khu vực sản xuất công nghiệp chuyên sâu góp phần phát triển kinh tế quy mô hướng tới sự nghiệp hiện đại hóa, công nghiệp hóa bền vững.
Kết hợp các công nghệ số mới như công nghệ thực tế ảo, thực tế ảo tăng cường để xây dựng bản đồ số về các khu công nghiệp và cụm công nghiệp gắn với mô tả hiện trạng sản xuất để hỗ trợ các nhà đầu tư nước ngoài có hình dung toàn cảnh và xác định được địa điểm đầu tư phù hợp tại Việt Nam.
Mời bạn đọc xem toàn văn Chỉ thị tại đây.