(Chinhphu.vn) - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang dự thảo Nghị định quy định về xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú”.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, Nghị định số 89/2014/NĐ-CP ngày 19/9/2014 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu "Nghệ sĩ nhân dân", "Nghệ sĩ ưu tú" và Nghị định số 40/2021/NĐ-CP ngày 30/3/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 89/2014/NĐ-CP được ban hành đã mang lại hiệu lực, hiệu quả trong công tác xét tặng danh hiệu "Nghệ sĩ nhân dân", "Nghệ sĩ ưu tú".
Cụ thể, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức được 03 đợt xét tặng danh hiệu "Nghệ sĩ nhân dân", "Nghệ sĩ ưu tú" (đợt 1: năm 2016; đợt 2: năm 2019; đợt 3: năm 2022). Kết quả đã có 186 "Nghệ sĩ ưu tú" được phong tặng danh hiệu "Nghệ sĩ nhân dân"; và 686 nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu "Nghệ sĩ ưu tú". Hiện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, xét tặng danh hiệu "Nghệ sĩ nhân dân" cho 136 "Nghệ sĩ ưu tú" và xem xét, xét tặng danh hiệu "Nghệ sĩ ưu tú" cho 347 cá nhân.
Ngày 15/6/2022, Quốc hội ban hành Luật Thi đua, khen thưởng 06/2022/QH15, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2024. Về xét tặng "Nghệ sĩ nhân dân", "Nghệ sĩ ưu tú", Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 có nội dung thay đổi căn bản về đối tượng xét tặng, bổ sung đối tượng là "Người sáng tạo tác phẩm văn hóa, nghệ thuật" cụ thể người sáng tạo trong các lĩnh vực âm nhạc, điện ảnh, múa, sân khấu, kiến trúc, mỹ thuật, nhiếp ảnh, văn học, văn nghệ dân gian. Một số quy định về tiêu chuẩn xét tặng cũng thay đổi, vì vậy, cần xây dựng những quy định mới, phù hợp với quy định của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 bổ sung và hoàn thiện những quy định hiện hành quy định tại Nghị định số 89/2014/NĐ-CP và Nghị định số 40/2014/NĐ-CP.
Ngoài ra, thực tế quá trình xét tặng danh hiệu "Nghệ sĩ nhân dân", "Nghệ sĩ ưu tú" thời gian qua cho thấy còn có những đối tượng hoạt động nghệ thuật cần bổ sung để bảo đảm quyền lợi của cá nhân như: Bổ sung đối tượng quay phim thể loại phim kết hợp nhiều loại hình; bổ sung cá nhân hoạt động trong loại hình nhạc giao hưởng thính phòng, nhạc vũ kịch xét theo tiêu chí "trường hợp đặc biệt"; bổ sung thêm việc quy đổi giải thưởng của tác phẩm để tính thành tích cho một số thành phần tham gia trong tác phẩm để tránh thiệt thòi cho nghệ sĩ. Mặt khác, về quy trình, thủ tục xét tặng điều chỉnh cho khoa học hơn, sửa đổi một số quy định còn lặp lại quy định của Luật Thi đua, khen thưởng hiện hành chưa bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật như nguyên tắc xét tặng, thời gian xét tặng và công bố danh hiệu "Nghệ sĩ nhân dân", "Nghệ sĩ ưu tú".
Từ những lý do nêu trên, để triển khai thi hành hiệu quả Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 và bảo đảm quy trình, thủ tục xét tặng danh hiệu "Nghệ sĩ nhân dân", "Nghệ sĩ ưu tú", việc xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 89/2014/NĐ-CP và Nghị định số 40/2021/NĐ-CP là cần thiết.
Nội dung dự thảo Nghị định được chia thành 05 chương 19 điều, bao gồm:
- Chương I: Những quy định chung gồm 07 điều: từ Điều 1 đến Điều 7.
- Chương II: Tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu "Nghệ sĩ nhân dân", "Nghệ sĩ ưu tú" gồm 02 điều: Điều 8 và Điều 9.
- Chương III: Hội đồng xét tặng danh hiệu "Nghệ sĩ nhân dân", "Nghệ sĩ ưu tú" gồm 04 điều: từ Điều 10 đến Điều 13.
- Chương IV: Hồ sơ, trình tự, thủ tục xét tặng danh hiệu "Nghệ sĩ nhân dân", "Nghệ sĩ ưu tú" gồm 04 điều: từ Điều 14 đến Điều 17.
- Chương V: Điều khoản thi hành gồm 02 điều: Điều 18 và Điều 19.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Xem bản tin gốc Báo điện tử Chính phủ tại đây.