Kể từ ngày 15 tháng 5 năm 2023 Nghị định 14/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính có hiệu lực pháp luật và thay thế Nghị định 87/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính.
Về vị trí, chức năng Bộ Tài chính là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tài chính - ngân sách (bao gồm: Ngân sách nhà nước; ngân quỹ nhà nước; nợ công; thuế; phí, lệ phí và thu khác của ngân sách nhà nước; dự trữ nhà nước; các quỹ tài chính nhà nước; đầu tư tài chính; tài chính doanh nghiệp; tài chính hợp tác xã và kinh tế tập thể; tài sản công theo quy định của pháp luật); hải quan; kế toán; kiểm toán độc lập; giá; chứng khoán; bảo hiểm; hoạt động dịch vụ tài chính và dịch vụ khác thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ; thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp thuộc bộ theo quy định của pháp luật.
Về nhiệm vụ và quyền hạn Bộ Tài chính thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ; Nghị định số 101/2020/NĐ-CP ngày 28 tháng 8 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điềụ của Nghị định số 123/2016/NĐ-CP và những nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể tại Nghị định 14/2023/NĐ-CP.
Về cơ cấu tổ chức Bộ Tài chính gồm các tổ chức hành chính giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước và các tổ chức sự nghiệp phục vụ quản lý nhà nước thuộc Bộ.
So với Nghị định 87/2017/NĐ-CP thì Nghị định 14/2023/NĐ-CP sẽ không còn Vụ Chính sách thuế và vụ Thi đua – Khen thưởng. Vụ Chính sách thuế tiếp tục thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo các quy định của pháp luật hiện hành cho đến khi Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí.
Mời bạn đọc xem toàn văn Nghị định tại đây./.
Thu Hương