Ngày 18 tháng 4 năm 2023, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa ban hành Chỉ thị số 09/CT-UBND về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023.
Để chủ động phòng, chống, ứng phó với các diễn biến bất thường, cực đoan của thiên tai, hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả thiệt hại do thiên tai gây ra trong năm 2023, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu tập trung triển khai: (1) Tiếp tục tổ chức phổ biến và thực hiện Luật Phòng, chống thiên tai và các văn bản hướng dẫn đến các cấp, ngành đặc biệt là cấp cơ sở (xã, phường; thôn, tổ dân phố). Chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống và phương án ứng phó tương ứng từng loại hình, cấp độ rủi ro thiên tai. (2) Tăng cường tuyên truyền, cảnh báo thiên tai, đảm bảo thông tin chỉ đạo của các cấp chính quyền đến người dân. (3) Tổ chức rà soát, kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) các cấp, ngành; nâng cao năng lực trách nhiệm, công tác chỉ đạo, kiểm tra của Ban Chỉ huy các cấp. (4) Tiếp tục củng cố lực lượng, hiện đại hóa phương tiện, thiết bị phục vụ công tác phòng, chống thiên tai; quán triệt và tổ chức thực hiện hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ). (5) Chủ động bố trí nguồn kinh phí và huy động các nguồn lực hợp pháp khác để thực hiện công tác phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Đối với Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh (Ban Chỉ huy PCTT - TKCN và PTDS tỉnh) cần thực hiện kiện toàn tổ chức, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban Chỉ huy và Văn phòng thường trực; làm tốt công tác tham mưu; kiểm tra, theo dõi, giám sát và đôn đốc các sở, ngành, địa phương trong việc rà soát kiểm kê lại các chủng loại, phương tiện, vật tư phục vụ công tác PCTT và TKCN; hướng dẫn lập, kiểm tra, rà soát phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023 của các địa phương.
Đối với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với các cấp, các ngành, đặc biệt là lực lượng công an, quân sự trên địa bàn để triển khai thực hiện tốt phương án phòng, chống thiên tai ở địa phương; Rà soát, cập nhật, xác định nhũng khu vực nguy hiểm, xung yếu, các khu vực lồng bè nuôi trồng thủy sản ảnh hưởng khi xảy ra thiên tai; Chỉ đạo triển khai công tác tu bổ, sửa chữa đê, kè, hồ, đập, công trình giao thông, thủy lợi, nạo vét khơi thông dòng chảy trước mùa mưa lũ; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật tư dự phòng để sẵn sàng ứng phó khi có thiên tai xảy ra; chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã phối hợp với các đơn vị quản lý công trình thủy lợi, cấp nước đô thị; tổ chức tập huấn, diễn tập cho các lực lượng trực tiếp làm công tác phòng, chống thiên tai; tăng cường thông tin về thiên tai, bảo đảm thông tin đến được người dân qua các kênh thông tin đại chúng để người dân nâng cao cảnh giác, chủ động phương án phòng tránh, ứng phó thiên tai; chỉ đạo các đơn vị thi công đang hoạt động xây dựng trên địa bàn tiến hành công tác chuẩn bị ứng phó.
Đồng thời, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh giao trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có liên quan như: Các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông, Giao thông vận tải, Công thương, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Du lịch; Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh; Công an tỉnh; Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực Nam Trung Bộ; Đài Phát thanh và Truyền hình; các đơn vị quản lý hồ chứa nước, các hệ thống công trình thủy lợi và các sở ngành khác cùng phối hợp đồng bộ và thực hiện nhiệm vụ theo chức, năng nhiệm được giao đảm bảo đúng quy định.
Mời bạn đọc xem toàn văn Chỉ thị tại đây./.