Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang vừa ký Quyết định 345/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021-2030”.
Với mục tiêu hoàn thiện khung pháp lý về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; phấn đấu 100% quy định pháp luật về doanh nghiệp, về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp được thông tin kịp thời, đầy đủ đến doanh nghiệp; tăng cường tổ chức tập huấn, cập nhật kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp và người làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp;
Đồng thời vận hành hiệu quả hệ thống mạng lưới tư vấn viên pháp luật; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu về vụ việc, vướng mắc pháp lý cho doanh nghiệp; đảm bảo 100% doanh nghiệp được hỗ trợ pháp lý khi có đề xuất; giải quyết, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn về mặt pháp lý cho doanh nghiệp khi có yêu cầu;
Bên cạnh đó thí điểm và nhân rộng ít nhất 02 mô hình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp hiệu quả trên toàn quốc; ứng dụng chuyển đổi số trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; xây dựng hệ sinh thái về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
Xây dựng và duy trì cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa Trung ương và địa phương, giữa cơ quan quản lý nhà nước với tổ chức đại diện cho doanh nghiệp trong việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp gắn với hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật hiệu quả liên quan đến doanh nghiệp; triển khai các giải pháp xã hội hóa công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
Để thực hiện được các mục tiêu trên, Quyết định đã đề ra một số nhiệm vụ và giải pháp sau:
1. Hoàn thiện khung pháp lý về tăng cường hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo hướng nghiên cứu, đánh giá và hoàn thiện bằng cách sửa đổi, bổ sung Nghị định 55/2019/NĐ-CP ngày 24/6/2019 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; Nghị định 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế. Tập hợp các khó khăn vướng mắc pháp lý, từ đó đề xuất hoàn thiện pháp luật, nâng cao hiệu quả tổ chức và thi hành pháp luật liên quan đến doanh nghiệp gửi cơ quan có thẩm quyền và Bộ Tư pháp. Nghiên cứu kinh nghiệm của nước ngoài về vấn đề hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
2. Tăng cường tuyên truyền, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng nghiệp vụ để nâng cao năng lực, nhận thức và trách nhiệm trong triển khai công tác hỗ trợ pháp lý; đổi mới cách thức tiếp cận và hỗ trợ pháp lý; tăng cường phối hợp giữa cơ quan nhà nước với tổ chức đại diện cho doanh nghiệp, đoàn luật sư, hội Luật gia Việt Nam, tổ chức hành nghề luật sư; xây dựng, cập nhật và vận hành Cổng Thông tin điện tử Quốc gia về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
3. Tổ chức đối thoại giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền với doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình áp dụng pháp luật liên quan đến doanh nghiệp. Triển khai, nhân rộng một số mô hình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp thiết thực, hiệu quả. Đánh giá, kiểm tra, khen thưởng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
Mời bạn đọc xem toàn văn Quyết định tại đây./.