(Chinhphu.vn) - Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 40/NQ-CP ngày 27/3/2023 phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam và xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Chiến lược).
Đến năm 2045, ngành Đo đạc và Bản đồ trở thành ngành điều tra cơ bản hiện đại.
Quan điểm phát triển ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, phục vụ cộng đồng, nâng cao dân trí và hội nhập quốc tế.
Phát triển hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia làm nền tảng quan trọng và cơ bản, cung cấp dịch vụ dữ liệu không gian địa lý cho các ngành, lĩnh vực đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, phục vụ chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh.
Ưu tiên đầu tư cho các nhiệm vụ đo đạc và bản đồ phục vụ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn; khắc phục sự cố môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; đảm bảo quốc phòng, an ninh; nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ đo đạc và bản đồ theo hướng tiên tiến, hiện đại.
Đảm bảo 100% dữ liệu không gian địa lý kết nối, chia sẻ trên toàn quốc
Mục tiêu đến năm 2030 hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về đo đạc và bản đồ; xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia và hệ thống bản đồ địa hình quốc gia đồng bộ, thống nhất trong cả nước trên đất liền, vùng biển và hải đảo Việt Nam, đảm bảo được cập nhật đầy đủ, chính xác, kịp thời đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước của các bộ, ngành, địa phương, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Xây dựng, hoàn thiện hạ tầng đo đạc bao gồm: mạng lưới tọa độ quốc gia, mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia, mạng lưới độ cao quốc gia, mạng lưới trọng lực quốc gia, mô hình geoid để thiết lập hệ quy chiếu và hệ tọa độ không gian quốc gia thống nhất trên đất liền và trên biển.
Xây dựng và quản lý hạ tầng dữ liệu không gian quốc gia đảm bảo tích hợp, chia sẻ dữ liệu không gian địa lý giữa các cơ quan, ban ngành, giữa trung ương với địa phương phục vụ xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số; tham gia, kết nối vào mạng lưới hạ tầng dữ liệu không gian địa lý khu vực. Đảm bảo 100% dữ liệu không gian địa lý kết nối, chia sẻ trên toàn quốc phục vụ cung cấp thông tin, dịch vụ công cho tổ chức, cá nhân.
Đến năm 2045 phát triển ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam trở thành ngành điều tra cơ bản hiện đại, ngang tầm với các nước phát triển, phấn đấu làm chủ 80% các công nghệ tiên tiến, hiện đại; phát triển hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia đảm bảo tạo dựng, duy trì, nâng cao giá trị thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ, đáp ứng yêu cầu về dữ liệu không gian địa lý của toàn xã hội, phục vụ các nhiệm vụ về quốc phòng, an ninh, Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số; tham gia, kết nối vào mạng lưới hạ tầng dữ liệu không gian địa lý toàn cầu.
10 nhiệm vụ, giải pháp
Để đạt được các mục tiêu trên, Chiến lược đưa ra 10 nhiệm vụ, giải pháp gồm: 1- Hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về đo đạc và bản đồ; 2- Xây dựng, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ đảm bảo đồng bộ, chính xác thuận lợi cho việc sử dụng chung; 3- Hoàn thiện, công bố số liệu các mạng lưới đo đạc quốc gia; 4- Xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia; 5- Đo đạc, thành lập bản đồ chuyên ngành; 6- Xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia; 7- Đổi mới việc quản lý, nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ; 8- Nghiên cứu khoa học, ứng dụng và phát triển công nghệ, hợp tác quốc tế về đo đạc và bản đồ; 9- Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực đáp ứng cho phát triển ngành Đo đạc và Bản đồ; 10 - Đổi mới cơ chế triển khai các nhiệm vụ đo đạc và bản đồ; đổi mới, xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật.
Trong đó, Chiến lược sẽ triển khai rà soát, xây dựng, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về đo đạc và bản đồ tiếp cận với các tiêu chuẩn quốc tế; xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về dữ liệu không gian địa lý, siêu dữ liệu; các chuẩn phương pháp, chuẩn quy trình, chuẩn dịch vụ.
Xây dựng Cổng thông tin không gian địa lý Việt Nam
Đồng thời, xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia và bản đồ địa hình quốc gia phủ trùm phần đất liền, đảo, quần đảo; xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia và bản đồ địa hình đáy biển trên vùng biển Việt Nam; xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu địa danh phục vụ công tác thành lập bản đồ.
Xây dựng Cổng thông tin không gian địa lý Việt Nam theo mô hình trung tâm dữ liệu không gian địa lý đảm bảo liên kết và quản lý thống nhất các cơ sở dữ liệu không gian địa lý thông qua địa chỉ truy cập trên mạng Internet; có khả năng kết nối, đồng bộ với Cổng dữ liệu quốc gia; phát triển các dịch vụ dữ liệu thông qua Cổng thông tin không gian địa lý Việt Nam; kiến tạo thể chế, đổi mới cơ chế triển khai các nhiệm vụ đo đạc và bản đồ, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo, cung cấp sản phẩm, giải pháp về đo đạc và bản đồ hướng đến nền kinh tế số, xã hội số...
Xem bản tin gốc Báo điện tử Chính phủ tại đây