(Chinhphu.vn) - Bộ Tư pháp đang đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.
Đấu giá tài sản
Bộ Tư pháp cho biết, Luật Đấu giá tài sản quy định trình tự, thủ tục chung áp dụng đối với tất cả các loại tài sản phải bán theo quy định của pháp luật, tạo ra tính thống nhất, chặt chẽ trong hoạt động đấu giá, giải quyết tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong hệ thống pháp luật, phân định rõ trách nhiệm của người có tài sản đấu giá trong các giai đoạn đấu giá, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đấu giá tài sản phát triển theo hướng chuyên nghiệp hóa.
Kể từ thời điểm Luật Đấu giá tài sản được ban hành đến nay, đội ngũ đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản ngày càng trưởng thành, lớn mạnh, cơ bản đảm đương được nhiệm vụ được giao. Số lượng đấu giá viên của cả nước đã phát triển lên đến hơn 1.200 người, gần 600 doanh nghiệp đấu giá tài sản; 58 Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Số lượng các cuộc đấu giá tài sản công ngày càng tăng, nhiều cuộc đấu giá được tổ chức thành công với giá trị tài sản bán được cao hơn nhiều lần so với giá khởi điểm, nộp ngân sách Nhà nước đạt giá trị lớn, qua đó, đóng góp tích cực cho việc quản lý, sử dụng tài sản công; góp phần tạo nguồn lực cho hoạt động đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương (theo số liệu thống kê thì từ tháng 07/2017 đến ngày 31/12/2021, các tổ chức đấu giá tài sản đã tổ chức hơn 169.000 cuộc đấu giá, số tiền thù lao dịch vụ đấu giá tài sản thu được đạt hơn 2.096 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước hơn 1.500 tỷ đồng).
Các hình thức đấu giá được áp dụng phong phú, đa dạng (ngoài hình thức truyền thống là đấu giá trực tiếp bằng lời nói đã bổ sung đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp, đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá, đấu giá trực tuyến). Việc ứng dụng công nghệ thông tin được quan tâm và đã thu được những kết quả ban đầu quan trọng. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước ngày càng nâng cao cả ở Trung ương và địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho nghề cũng như kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý các hành vi vi phạm. Nhận thức về vai trò, vị trí của nghề đấu giá và đội ngũ đấu giá viên ngày càng được nâng cao, tạo được hiệu ứng tốt trong xã hội.
Tuy nhiên, trong bối cảnh đất nước bước sang giai đoạn mới, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và các ngành dịch vụ theo cơ chế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động đấu giá tài sản đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập như: pháp luật về đấu giá tài sản còn thiếu một số quy định quan trọng về trình tự, thủ tục đấu giá, một số quy định chưa phù hợp thực tiễn (thời gian bán, tiếp nhận hồ sơ, quy định về tiền đặt trước); chất lượng dịch vụ đấu giá nhìn chung còn chưa có hiệu quả, còn tồn tại tình trạng "quân xanh, quân đỏ", thông đồng, dìm giá trong các phiên đấu giá; cơ chế kiểm soát việc đấu giá còn bộc lộ một số vướng mắc; người có tài sản đấu giá, nhất là tài sản công còn chưa thể hiện được vai trò, trách nhiệm của mình trong quá trình bán tài sản, thậm chí một số trường hợp còn có biểu hiện thông đồng, móc nối với tổ chức đấu giá tài sản, người tham gia đấu giá để trục lợi...
Trước yêu cầu thực tiễn của hoạt động đấu giá, việc sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Đấu giá tài sản nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ để thúc đẩy hoạt động đấu giá theo hướng chuyên nghiệp hóa, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đấu giá tài sản là rất cần thiết và cấp bách.
Tập trung giải quyết 3 nhóm chính sách lớn
Để đạt được mục đích sửa đổi của Luật Đấu giá như đã đặt ra, trên cơ sở các quan điểm chỉ đạo, đề xuất sửa đổi Luật Đấu giá lần này sẽ tập trung giải quyết 3 nhóm chính sách lớn, xuyên suốt toàn bộ nội dung của Luật, cụ thể như sau:
Chính sách 1: Hoàn thiện các quy định về tiêu chuẩn, điều kiện đấu giá viên để phát triển hợp lý số lượng và nâng cao một bước chất lượng đội ngũ đấu giá viên; hoàn thiện các quy định về tổ chức và hoạt động của tổ chức đấu giá tài sản đảm bảo đầy đủ, cụ thể hơn quyền, trách nhiệm của tổ chức đấu giá tài sản trong hoạt động hành nghề, từ đó nâng cao tính chuyên nghiệp của các tổ chức đấu giá tài sản, hiệu quả hoạt động đấu giá tài sản.
Chính sách 2: Hoàn thiện các quy định về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản để phù hợp với thực tiễn, đảm bảo chặt chẽ, công khai, minh bạch, thống nhất; tiếp tục ứng dụng mạnh mẽ hơn công nghệ thông tin trong hoạt động đấu giá tài sản góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đấu giá, tránh tình trạng tiêu cực, gây thất thoát tài sản.
Chính sách 3: Hoàn thiện các quy định về quản lý nhà nước về đấu giá tài sản nhất là hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm; tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan đối với hoạt động đấu giá tài sản.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Xem bản tin gốc Báo điện tử Chính phủ tại đây