Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư 09/2022/TT-BLĐTBXH hướng dẫn một số nội dung thực hiện đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo và hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.
Theo đó, đối tượng được hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo gồm:
1. Người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người khuyết tật (không có sinh kế ổn định) trên phạm vi cả nước; người dân sinh sống trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo. Ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo dân tộc thiểu số, hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng và phụ nữ thuộc hộ nghèo.
2. Hộ gia đình, tổ, nhóm hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp và tổ chức, cá nhân; cơ sở đào tạo, cơ sở giáo dục nghề nghiệp; trung tâm nghiên cứu, khoa học, công nghệ, kỹ thuật; cơ sở sản xuất, kinh doanh khác xây dựng, nhân rộng, phát triển mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo việc làm, sinh kế, thu nhập và chuyển giao khoa học, công nghệ, kỹ thuật, mô hình giảm nghèo cho người nghèo. Ưu tiên hỗ trợ các mô hình, dự án giảm nghèo triển khai trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; mô hình, dự án giảm nghèo, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh do người khuyết tật, dân tộc thiểu số, phụ nữ, học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo chủ trì thực hiện.
3. Tạo điều kiện để người yếu thế, dễ bị tổn thương, có hoàn cảnh khó khăn được tham gia thực hiện mô hình, dự án giảm nghèo.
Thông tư nêu rõ, việc hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo thực hiện theo dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo nhiệm vụ, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất đặc thù. Thời gian thực hiện mỗi dự án tối đa 3 năm.
Sẽ ưu tiên hỗ trợ tham gia dự án mô hình giảm nghèo đối với người lao động thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo dân tộc thiểu số, hộ nghèo và hộ cận nghèo có thành viên là người có công với cách mạng; người khuyết tật, phụ nữ thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Tạo điều kiện để người yếu thế, dễ bị tổn thương, có hoàn cảnh khó khăn được tham gia thực hiện dự án mô hình giảm nghèo.
Ưu tiên hỗ trợ dự án mô hình giảm nghèo thực hiện trên địa bàn các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.
Nội dung hỗ trợ
Theo Thông tư, việc hỗ trợ sẽ tập trung vào 9 nội dung sau:
1. Tập huấn kỹ thuật sản xuất, nghiệp vụ quản lý, năng lực quản lý hợp đồng, quản lý chuỗi và phát triển thị trường.
2. Chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, áp dụng quy trình kỹ thuật trong sản xuất và quản lý chất lượng đồng bộ.
3. Vật tư, nguyên liệu, công cụ, trang thiết bị phục vụ sản xuất, giống cây trồng, vật nuôi.
4. Quảng bá, xúc tiến thương mại cho sản phẩm hàng hóa, dịch vụ.
5. Hỗ trợ chi phí để phân tích các chỉ tiêu an toàn thực phẩm, chi phí thiết lập mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
6. Tập huấn kỹ thuật theo nhu cầu của các thành viên tổ nhóm, nâng cao năng lực quản lý và vận hành tổ nhóm.
7. Hỗ trợ cán bộ trực tiếp đến tận hộ gia đình hướng dẫn thực hiện dự án cho đến khi có kết quả.
8. Tổ chức đi thực tế học tập các dự án có hiệu quả giữa các địa phương do thủ trưởng đơn vị quyết định trong phạm vi dự toán được giao.
9. Xây dựng, quản lý dự án.
Thông tư có hiệu lực thi hành từ 11/7/2022.
Xem bản tin gốc Báo Chính phủ tại đây