Bộ Quốc phòng đang lấy ý kiến của nhân dân đối với dự thảo Thông tư quy định quy trình xử lý vi phạm hành chính (VPHC) của Bộ đội Biên phòng.
Người có thẩm quyền xử lý VPHC trong Bộ đội Biên phòng khi thực hiện nhiệm vụ có trách nhiệm thu thập thông tin, tài liệu về vụ việc có dấu hiệu VPHC
Dự thảo nêu rõ, người có thẩm quyền xử lý VPHC trong Bộ đội Biên phòng khi thực hiện nhiệm vụ có trách nhiệm thu thập thông tin, tài liệu về vụ việc có dấu hiệu VPHC từ các nguồn: Trên các phương tiện thông tin đại chúng; thông báo của cấp trên hoặc do cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân cung cấp; trình báo, đơn thư khiếu nại, tố cáo, tố giác vi phạm pháp luật của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân; khi tiến hành kiểm tra, kiểm soát, quản lý địa bàn; các nguồn thông tin khác.
Xử lý thông tin về vụ VPHC
Sau khi thu thập, tiếp nhận thông tin, tài liệu về vụ vi phạm, người có thẩm quyền xử lý VPHC trong Bộ đội Biên phòng có trách nhiệm xử lý theo trình tự sau đây:
a) Đánh giá độ tin cậy và phân tích dữ liệu thông tin, tài liệu thu thập được;
b) Báo cáo kịp thời cho người có thẩm quyền;
c) Đánh giá, thẩm tra, xác minh, khi thấy có dấu hiệu vi phạm thì tổ chức xác minh, bổ sung, củng cố chứng cứ;
d) Đối với thông tin có dấu hiệu vi phạm nhưng không thuộc thẩm quyền xử lý VPHC của mình thì chuyển giao cho cơ quan có thẩm quyền, đồng thời báo cáo cấp trên trực tiếp.
Khi tiến hành hoạt động tiếp nhận, xử lý thông tin, tài liệu về vụ vi phạm, căn cứ tính chất, mức độ của thông tin, tài liệu có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe, danh dự của người cung cấp thì người có thẩm quyền phải bảo mật thông tin, tài liệu, giữ bí mật nhân thân người cung cấp thông tin, tài liệu và có kế hoạch bảo đảm sự an toàn cho người cung cấp thông tin, tài liệu nếu người trình báo yêu cầu, không được tiết lộ thông tin, tài liệu cho người không có trách nhiệm.
Bên cạnh đó, dự thảo nêu rõ quy định xử phạt VPHC không lập biên bản. Khi phát hiện VPHC đang diễn ra, người có thẩm quyền xử lý VPHC trong Bộ đội Biên phòng đang thi hành công vụ quyết định buộc chấm dứt hành vi VPHC bằng lời nói, còi, hiệu lệnh hoặc hình thức khác theo quy định của pháp luật.
Trường hợp áp dụng
Hành vi VPHC mà hình thức xử phạt quy định là phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, đến 500.000 đồng đối với tổ chức.
Cá nhân hoặc tổ chức thực hiện nhiều hành vi VPHC mà hình thức xử phạt đối với mỗi hành vi đều là phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, đến 500.000 đồng đối với tổ chức.
Trường hợp VPHC được phát hiện nhờ sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ thì tiến hành lập biên bản VPHC và xử phạt theo thủ tục có lập biên bản theo quy định.
Bộ Quốc phòng đang lấy ý kiến của nhân dân đối với dự thảo này trên Cổng TTĐT của Bộ.
Xem bản tin gốc Báo Chính phủ tại đây