(Chinhphu.vn) - Chính phủ vừa có Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 10/4/2025 ban hành Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 1313/NQ-UBTVQH15 ngày 25/9/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023 (Kế hoạch).
Kế hoạch triển khai Nghị quyết của UBTVQH giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023
Mục đích của Kế hoạch nhằm tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; nghiên cứu khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập; xem xét tiếp thu, triển khai thực hiện có hiệu quả những đề xuất, kiến nghị được nêu trong Báo cáo của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với các mục tiêu cụ thể là tập trung triển khai quyết liệt, có hiệu quả Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Luật Đường bộ và các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật.
Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, tập trung vào đối tượng ở lứa tuổi học sinh và các bậc phụ huynh, vận động đến từng gia đình không giao xe cho học sinh khi chưa đủ điều kiện điều khiển; đa dạng hóa hình thức, nội dung tuyên truyền pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, xây dựng văn hóa giao thông trong cộng đồng, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông;
Chỉ đạo đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng khoa học, công nghệ trong hoạt động quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông bảo đảm minh bạch và thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu về giao thông giữa các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan.
Xây dựng văn hóa giao thông trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên phạm vi toàn quốc
Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và trưởng các đơn vị có liên quan tiếp tục quán triệt sâu rộng và triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương, đường lối, văn bản chỉ đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, đặc biệt là Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 25 tháng 5 năm 2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ.
Nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, xác định bảo đảm trật tự, an toàn giao thông là một trong những động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; đồng thời căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ được phân công, khẩn trương triển khai các nhiệm vụ được giao tại Phụ lục I kèm theo Nghị quyết này.
Cụ thể, Chính phủ giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp rà soát tổng thể, hoàn thiện các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông để kịp thời thể chế các chủ trương, đường lối, văn bản chỉ đạo của Đảng, nội luật hóa các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên; khắc phục những bất cập, hạn chế của các quy định hiện hành, trước mắt tập trung rà soát các quy định của Luật Đường sắt, Luật Giao thông đường thủy nội địa, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam và Bộ luật Hàng hải Việt Nam để đề xuất, kiến nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung ban hành mới; tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật có liên quan về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Tiến độ thực hiện từ năm 2025-2026.
Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, phù hợp với từng loại đối tượng, lĩnh vực, địa bàn, gắn với đặc điểm kinh tế - xã hội, văn hóa giao thông của từng địa phương; ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật về an toàn giao thông; xây dựng văn hóa giao thông trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên phạm vi toàn quốc. Thời gian thực hiện từ năm 2025-2026.
Trong năm 2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Xây dựng tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông; xây dựng văn hóa giao thông cho học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục.
Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng, hoàn thiện Cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông hiện đại, đáp ứng yêu cầu quản lý và thi hành pháp luật, bảo đảm kết nối, chia sẻ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu đường bộ và các cơ sở dữ liệu khác để hình thành nên cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông thống nhất trên toàn quốc. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn khi đầu tư, xây dựng các hạng mục công trình giao thông, quản lý giao thông để tổ chức giao thông thông minh, nhằm giảm ùn tắc và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Đẩy nhanh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ quản lý, đăng kiểm phương tiện
Về lĩnh vực đường bộ, Chính phủ giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đẩy nhanh việc xây dựng, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động vận tải, đào tạo, đăng kiểm phương tiện.
Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đẩy nhanh việc xây dựng, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm trong sát hạch cấp giấy phép lái xe. Đầu tư lắp đặt camera giám sát, chỉ huy điều hành giao thông phục vụ an ninh trật tự và xử lý vi phạm hành chính; hiện đại hoá các trung tâm chỉ huy giao thông.
Trong năm 2026, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công an hoàn thiện các quy định của pháp luật có liên quan đến việc: quản lý và sử dụng kinh phí bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sát hạch lái xe, lệ phí cấp bằng, chứng chỉ hoạt động trên các loại phương tiện và lệ phí đăng ký, cấp biển số xe máy chuyên dùng.
Từ năm 2025-2026, Bộ Công an rà soát, tháo gỡ các bất cập liên quan đến: sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ; đăng ký xe máy chuyên dùng.
Đối với lĩnh vực hàng hải và đường thủy nội địa, Chính phủ giao Bộ Xây dựng chủ trì, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, nghiên cứu các quy định liên quan đến việc: phân cấp cho địa phương thực hiện công tác quản lý, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải đối với các dự án, công trình do ngân sách địa phương thực hiện một phần hoặc toàn phần; đẩy mạnh phân cấp việc quản lý các cảng, bến, tuyến luồng đường thủy nội địa cho địa phương quản lý; phân định ranh giới hành chính trên biển, ban hành quy định về mốc giới hành chính trên các tuyến sông tạo điều kiện thuận lợi trong công tác quản lý người và phương tiện của các địa phương; tổ chức và hoạt động của Cảng vụ đường thủy nội địa; quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí áp dụng tại cảng, bến thủy nội địa cho phù hợp với thực tiễn.
Từ năm 2025-2026, Bộ Xây dựng chủ trì rà soát, ban hành văn bản hướng dẫn về việc: xác định, quản lý luồng, tuyến phù hợp với hiện trạng các địa phương ven biển để tránh gây lãng phí, tránh chồng chéo trong công tác quản lý hoạt động đường thủy nội địa và hoạt động hàng hải; quản lý hoạt động của phương tiện phục vụ vui chơi, giải trí dưới nước; đăng ký, đăng kiểm đối với trường hợp phương tiện thủy nội địa đã sử dụng nhiều năm, không có hồ sơ gốc và chưa đăng ký, đăng kiểm; nghiên cứu bổ sung chương trình đào tạo cấp giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn hoặc cấp giấy chứng nhận bồi dưỡng về giao thông đường thủy nội địa dành cho người đồng bào dân tộc thiểu số; xử lý các bất cập về hạ tầng giao thông đường thủy nội địa trên các tuyến sông do Trung ương quản lý; triển khai cắm mốc hành lang bảo vệ luồng đường thủy nội địa.
Về lĩnh vực đường sắt, từ năm 2025-2026, Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố mà tuyến đường sắt đi qua tiếp tục chỉ đạo quyết liệt việc triển khai thực hiện Quyết định số 358/QĐ-TTg ngày 10/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án bảo đảm trật tự hành lang an toàn giao thông và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt; ban hành Quyết định mới thay thế Quyết định số 994/QĐ-TTg ngày 19/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt giai đoạn 2014 – 2020.
Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố mà tuyến đường sắt đi qua tiếp tục phân cấp, phân quyền cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về đường sắt. Thời gian thực hiện từ năm 2025-2026.
Trong năm 2025, Bộ Xây dựng chủ trì, nghiên cứu lập Đề án xác định ranh giới đất dành cho đường sắt, lập hồ sơ quản lý đất dành cho đường sắt đối với đoạn đường sắt, dự án đường sắt qua địa bàn các tỉnh, trong đó giao đơn vị cụ thể làm chủ đầu tư; sau khi hoàn thành bàn giao hồ sơ cho địa phương quản lý, cập nhật vào hồ sơ địa chính.
Đối với lĩnh vực hàng không, Chính phủ giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính triển khai và đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án nâng cấp, mở rộng sân bay đã được đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn và đã phê duyệt dự án. Thời gian thực hiện từ năm 2025-2026.
Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng quản lý chặt chẽ hoạt động của máy bay không người lái, phương tiện bay không người lái để bảo đảm an toàn hàng không dân dụng.
Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng phối hợp với các địa phương trong thực hiện dịch vụ vận chuyển hành khách, xây dựng các tuyến đường để kết nối từ khu trung tâm đô thị, trung tâm du lịch đến các cảng hàng không và ngược lại, điều chỉnh mở rộng nút giao thông đến và đi từ các nhà ga của cảng hàng không.
Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, phối hợp với các địa phương trong công tác đảm bảo nguồn lực giám sát an ninh an toàn hàng không nhằm đáp ứng, duy trì và nâng cao việc thực thi hiệu quả hệ thống giám sát an ninh, an toàn hàng không. Thời gian thực hiện từ năm 2025-2026.
Chính phủ yêu cầu trong Quý II/2025, các bộ, ngành, các cơ quan ngang bộ, các cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương rà soát, kiểm tra việc xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch hành động cụ thể để thực hiện các nghiệm vụ được giao tại Nghị quyết này.
Xem bản tin gốc Báo điện tử Chính phủ tại đây
Theo Báo điện tử Chính phủ (baochinhphu.vn)