Quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục; Tăng cường công tác chỉ đạo, phối hợp, tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2025; Kế hoạch triển khai thi hành Luật Lưu trữ; Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội là những nội dung nổi bật tại các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tuần từ ngày 05/10 - 10/10/2024.
Ảnh minh họa. Nguồn: baochinhphu.vn
Quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 125/2024/NĐ-CP ngày 05/10/2024 Quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục.
Theo đó, Nghị định này áp dụng đối với: Cơ sở giáo dục mầm non; nhóm trẻ độc lập, lớp mẫu giáo độc lập, lớp mầm non độc lập; cơ sở giáo dục phổ thông; cơ sở giáo dục thường xuyên; trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập; trường chuyên biệt; trường cao đẳng thực hiện hoạt động giáo dục nghề nghiệp đối với nhóm ngành đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng; cơ sở giáo dục đại học; tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục; tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học; tổ chức và cá nhân khác thực hiện hoạt động giáo dục.
Nghị định cũng quy định về điều kiện thành lập nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non công lập hoặc cho phép thành lập nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non dân lập, tư thục (sau đây gọi chung là trường mầm non):
a) Có đề án thành lập hoặc cho phép thành lập trường mầm non phù hợp với quy hoạch tỉnh và các quy hoạch có liên quan của địa phương nơi trường đặt trụ sở.
b) Đề án xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình và nội dung giáo dục mầm non; đất đai, cơ sở vật chất, thiết bị, địa điểm dự kiến xây dựng trường; tổ chức bộ máy; nguồn lực và tài chính; phương hướng chiến lược xây dựng và phát triển trường mầm non.
Tăng cường công tác chỉ đạo, phối hợp, tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2025
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 37/CT-TTg ngày 07/10/2024 về tăng cường công tác chỉ đạo, phối hợp, tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2025.
Nhằm bảo đảm nâng cao chất lượng dạy và học và tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2025, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sâu sát, toàn diện. Trong đó, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tập trung một số nội dung trọng tâm sau: kịp thời ban hành Quy chế thi, Kế hoạch tổ chức Kỳ thi, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương về công tác chuẩn bị, tổ chức thi, bảo đảm yêu cầu phân cấp triệt để theo thẩm quyền, rõ nội dung, rõ quy trình, rõ trách nhiệm và hiệu quả; hướng dẫn, kiểm tra việc đổi mới phương pháp, tổ chức hoạt động dạy và học, ôn tập, kiểm tra, đánh giá đối với học sinh trung học phổ thông trong quá trình dạy và học; công bố đề thi tham khảo có tính ổn định trong nhiều năm để các nhà trường, giáo viên, học sinh chủ động trong hoạt động ôn tập, dạy và học;...
Kế hoạch triển khai thi hành Luật Lưu trữ
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1116/QĐ-TTg ngày 07/10/2024 ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Lưu trữ.
Theo đó, nội dung của Kế hoạch này là: tổ chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật; xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lưu trữ; tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, tập huấn chuyên sâu về Luật Lưu trữ và các văn bản quy định chi tiết một số điều của Luật.
Thủ tướng giao Bộ Nội vụ, các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan, tổ chức có liên quan rà soát, thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao trong Luật theo lĩnh vực, địa bàn thuộc phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được phân công.
Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1117/QĐ-TTg ngày 07/10/2024 về phê duyệt Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, mục tiêu phê duyệt Quy hoạch này đến năm 2030 là quản lý và khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên vùng bờ, góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh và an toàn, bảo đảm sinh kế và cải thiện mức sống của cộng đồng dân cư ven biển gắn với bảo tồn và phát triển giá trị tự nhiên, sinh thái, văn hóa; chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường, hệ sinh thái vùng bờ.
Quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 126/2024/NĐ-CP ngày 08/10/2024 Quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội.
Theo đó, Nghị định này áp dụng đối với tổ chức, công dân Việt Nam có liên quan đến thành lập, tổ chức, hoạt động và quản lý nhà nước về hội. Trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định đặc thù về tổ chức, hoạt động của hội khác với Nghị định này thì áp dụng quy định của pháp luật chuyên ngành đó.
Nghị định quy định về điều kiện thành lập hội bao gồm: Tên gọi bảo đảm theo quy định; lĩnh vực hoạt động chính không trùng lặp với lĩnh vực hoạt động chính của hội đã được thành lập hợp pháp trước đó trong cùng phạm vi hoạt động; có tôn chỉ, mục đích, lĩnh vực hoạt động phù hợp quy định pháp luật; có điều lệ, trừ hội quy định tại khoản 5 Điều 21 Nghị định này; có trụ sở theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Nghị định này; có đủ số lượng tổ chức, công dân Việt Nam đăng ký tham gia thành lập hội, trừ trường hợp luật, pháp lệnh có quy định khác; có tài sản để đảm bảo hoạt động của hội.
Chiến lược hạ tầng số đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1132/QĐ-TTg ngày 9/10/2024 về phê duyệt Chiến lược hạ tầng số đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.
Mục tiêu của Chiến lược đặt ra đến năm 2025 là: phổ cập cáp quang đến các hộ gia đình; 100% các tỉnh, thành phố, các khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, trung tâm nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo, khu công nghiệp, nhà ga/cảng biển/sân bay quốc tế có dịch vụ di động 5G; đưa vào khai thác tối thiểu 2 tuyến cáp quang biển quốc tế mới; hình thành các trung tâm dữ liệu hỗ trợ các ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI Data Center); phát triển các trung tâm dữ liệu mới đạt tiêu chuẩn xanh theo các tiêu chuẩn quốc tế, trong đó chỉ số hiệu quả sử dụng năng lượng (PUE - Power Usage Effectiveness) không vượt quá 1,4; ....